Mê Lý Tiểu Long, chàng trai Argentina trở thành truyền nhân Thiếu Lâm Tự

Những bộ phim của Lý Tiểu Long đã truyền cảm hứng cho Bruno Tombolato theo đuổi võ thuật, để rồi sau này anh trở thành truyền nhân đời thứ 32 của Thiếu Lâm Tự.

Video Tombolato thể hiện võ thuật Thiếu Lâm Tự

Với Bruno Tombolato, kung fu không chỉ là một môn võ mà còn là một triết lý sống. Hành trình của anh bắt đầu từ quê hương Argentina, rồi dẫn lối đến Thiếu Lâm Tự – cái nôi võ học danh tiếng tại Trung Quốc.

"Tôi bắt đầu đam mê võ thuật khi xem phim của Lý Tiểu Long và loạt phim kung fu của David Carradine từ năm 8 tuổi. Tôi bị cuốn hút ngay lập tức”, Tombolato chia sẻ. Trong quá trình theo đuổi võ học, Tombolato có cơ duyên gặp gỡ đại sư Thích Đức Dương – một huyền thoại sống của Thiếu Lâm Tự. Năm 2015, Tombolato chính thức trở thành đệ tử của đại sư Thích Đức Dương, trở thành đệ tử đời thứ 32 của Thiếu Lâm Tự.

Cách đây 14 năm, Tombolato sáng lập một trường võ thuật ở Madrid, chuyên giảng dạy võ thuật Thiếu Lâm và văn hóa của môn phái này. Từ 1 người đam mê với kungfu,Tombolato trở thành võ sư và được học trò gọi là "shifu" (sư phụ).

Tombolato là đệ tử đời thứ 32 của Thiếu Lâm Tự

Tombolato là đệ tử đời thứ 32 của Thiếu Lâm Tự

Sau này, anh càng bị thu hút bởi những giá trị cốt lõi của kung fu như sự khiêm tốn, tôn trọng, chính nghĩa, trung thành và kiên trì, điều đã khiến Tombolato dành trọn tình yêu cho môn võ này. "Gần đây, tôi tìm kiếm sự cân bằng giữa cảm xúc và cách chúng thể hiện qua cơ thể trong quá trình luyện tập kung fu. Đó là điều hấp dẫn tôi nhất trên hành trình trưởng thành và thay đổi của mình”, Tombolato nói tại võ đường – nơi anh đã đào tạo hàng trăm học viên trong suốt nhiều năm qua.

Tombolato chia sẻ rằng ban đầu, kung fu Thiếu Lâm không phải để chiến đấu, mà nhằm giúp các nhà sư chống lại sự mệt mỏi khi thiền định. Anh cũng nhấn mạnh rằng văn hóa Thiếu Lâm Tự không chỉ gói gọn trong võ thuật, mà còn bao gồm cả “Tam bảo”: Thiền (triết lý Phật giáo), Võ (võ thuật) và Y (y học), trong đó khí công là phần quan trọng của Y.

"Khí công giúp điều chỉnh tư thế, tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt. Nó còn giúp bạn ngủ ngon hơn", Tombolato cho biết. "Khí công giống như âm và dương – vừa cứng rắn vừa mềm mại. Nó có thể luyện riêng, nhưng bất kỳ ai tập kung fu lâu dài đều cần khí công. Nếu không, họ có thể gặp chấn thương do không kiểm soát tốt động tác”, anh nói tiếp.

"Kung fu là một môn võ mạnh mẽ, nhưng cần kết hợp với khí công và thiền định. Một mặt, ta học về chuyển động, nhưng mặt khác, ta phải học cách tĩnh tại. Và giữ yên tĩnh còn khó hơn vận động, vì ngay cả khi cơ thể bất động, tâm trí vẫn luôn dao động”, Tombolato khẳng định.

Tombolato yêu thích võ học và văn hóa của Thiếu Lâm Tự

Tombolato yêu thích võ học và văn hóa của Thiếu Lâm Tự

Tại Madrid, trường võ của Tombolato – Trung tâm Văn hóa Thiếu Lâm Tây Ban Nha – được thành lập năm 2010 và gia nhập Hiệp hội Thiếu Lâm Châu Âu từ năm 2012. "Châm ngôn của chúng tôi là “Trí tuệ cổ xưa trong thời hiện đại”. Đó là ý tưởng mang những tinh hoa của người xưa ứng dụng vào cuộc sống ngày nay”, Tombolato giải thích.

Trường học của Tombolato thường xuyên mời các đại sư từ Trung Quốc tới giảng dạy các khóa học và hội thảo, bao gồm kung fu cho trẻ em và người lớn, khí công, nghi lễ trà đạo, bắn cung, kiếm thuật... Ngoài ra, còn có các khóa học cuối tuần về sử dụng côn nhị khúc, đao pháp, vẽ tranh…

"Với tôi, ngôi trường này như một giấc mơ – nơi hội tụ tinh hoa của Thiếu Lâm”, Tombolato chia sẻ. Anh cũng là tác giả cuốn sách “Kung Fu của các nhà sư chiến binh”, ghi lại những sự kiện quan trọng trong hơn 1.500 năm lịch sử của Thiếu Lâm Tự.

Tombolato góp phần truyền bá võ thuật và văn hóa Thiếu Lâm Tự

Tombolato góp phần truyền bá võ thuật và văn hóa Thiếu Lâm Tự

Trường võ của Tombolato mang phong cách tối giản, kết hợp không gian mở với một phòng trà yên tĩnh. Nơi đây có một căn phòng treo bức tranh về Bồ Đề Đạt Ma – vị cao tăng Ấn Độ đã truyền bá Phật giáo đến Trung Quốc.

Theo truyền thuyết, Bồ Đề Đạt Ma từng thiền định suốt 9 năm trong một hang động gần Thiếu Lâm Tự. Trong tranh, ngài đứng trên một nhánh trúc, tượng trưng cho sự nhẹ nhàng của người luyện tập thiền định và võ thuật.

"Sư phụ tôi nói rằng kung fu giống như một chiếc ba lô không trọng lượng. Bạn có thể đi khắp nơi trên thế giới, nhưng kung fu luôn ở bên bạn”, Tombolato nhấn mạnh.

Sơn Tùng

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/me-ly-tieu-long-chang-trai-argentina-tro-thanh-truyen-nhan-thieu-lam-tu-ar923636.html
Zalo