Pakistan 'ăn miếng trả miếng', S-400 của Ấn Độ trở thành mục tiêu
Quân đội Pakistan nói rằng trong động thái 'ăn miếng trả miếng', họ đã nhắm vào các căn cứ không quân Ấn Độ từng dùng để phóng tên lửa vào Pakistan.
Ấn Độ và Pakistan tiếp tục triển khai các cuộc tấn công trong đêm qua (9/5), làm căng thẳng leo thang thêm một nấc mới sau vụ tấn công khủng bố ngày 22/4 tại Pahalgam (Kashmir do Ấn Độ kiểm soát). Vụ tấn công mà New Delhi đổ lỗi cho Islamabad.
Sáng sớm 10/5, quân đội Pakistan cho biết, Ấn Độ đã phóng tên lửa vào các căn cứ trọng yếu của Pakistan, bao gồm một căn cứ không quân gần Islamabad.
Phát ngôn viên quân đội, Trung tướng Ahmed Sharif Chaudhry, nói rằng phần lớn các tên lửa đã bị đánh chặn, và các tên lửa rơi xuống đất không gây thiệt hại.
"Ấn Độ tấn công căn cứ không quân Nur Khan, căn cứ Shorkot và căn cứ Murid bằng chiến đấu cơ, tất cả đều bị đánh chặn. Ấn Độ cũng phóng tên lửa và máy bay không người lái về phía Afghanistan", ông Chaudhry nói trong buổi phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia.
Trung tướng Chaudhry nói thêm, hệ thống phòng không Pakistan đã "thành công đánh chặn các tên lửa hành trình nhắm vào căn cứ không quân Rafiqui ở Shorkot".
Mặc dù phát ngôn viên khẳng định không có thiệt hại nhưng những đoạn video được đăng tải trên mạng lại cho thấy dường như một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 ở căn cứ Nur Khan đã bốc cháy.
Chỉ vài giờ sau vụ tấn công tên lửa, quân đội Pakistan thông báo bắt đầu chiến dịch trả đũa nhằm vào Ấn Độ.
"Pakistan đáp trả!" quân đội tuyên bố ngắn gọn, gọi cuộc trả đũa này là "Chiến dịch Bunyanun Marsoos", một cụm từ lấy từ Kinh Qur’an, có nghĩa là "bức tường không thể phá vỡ".
"Kho chứa BrahMos đã bị phá hủy", quân đội Pakistan tuyên bố, đồng thời cho biết các cuộc tấn công vào nhiều địa điểm khác đang diễn ra.

Một màn ảnh chụp từ một video cho thấy Islamabad tiến hành các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các cơ sở quân sự ở Ấn Độ, ngày 10/5. (Ảnh: Tổng cục ISPR của Lực lượng Vũ trang Pakistan/Anadolu qua Getty Images)
Quân đội Pakistan nói rằng, trong động thái "ăn miếng trả miếng", họ đã nhắm vào các căn cứ không quân Ấn Độ từng dùng để phóng tên lửa vào Pakistan.
Những cuộc tấn công đã đánh trúng nhiều mục tiêu ở Ấn Độ và khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, bao gồm: Sở chỉ huy lữ đoàn KG Top, kho hậu cần Uri, vị trí pháo binh Derangyari, trận địa BrahMos ở Nagrota, sân bay Udhampur, sân bay Pathankot và sân bay Suratgarh.
Các video được quân đội Pakistan công bố cho thấy nhiều bệ phóng tên lửa phóng loạt Fatah-1 đang khai hỏa. Loại đạn dược sản xuất trong nước này được dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính hỗ trợ GPS, có tầm bắn 140 km và sai số tròn khoảng 30 m.
Phần lớn các địa điểm trên nằm gần hoặc dọc theo "Đường kiểm soát" (LoC) -ranh giới thực tế phân chia vùng Kashmir tranh chấp giữa New Delhi và Islamabad. Pathankot (bang Punjab) và Suratgarh (bang Rajasthan) là các sân bay nằm trong phần lãnh thổ không tranh chấp của Ấn Độ.
Truyền thông Pakistan sau đó đưa tin một hệ thống phòng không tầm xa S-400 đã bị nhắm bắn ở Udhampur. Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy có khói bốc lên gần sân bay này.
Sáng muộn hôm đó, quân đội Ấn Độ thông báo đã đánh chặn các máy bay không người lái "và các loại vũ khí khác" do Pakistan phóng sang, nhưng không cung cấp con số cụ thể.
"Pakistan tiếp tục leo thang trắng trợn với các đòn tấn công bằng máy bay không người lái và các loại đạn dược khác dọc biên giới phía tây của chúng tôi", quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Quân đội tiếp tục nói rằng nhiều "máy bay không người lái vũ trang" đã được phát hiện bay trên một căn cứ quân sự ở Amritsar, bang Punjab, vào rạng sáng 10/5.
"Những máy bay không người lái thù địch này đã lập tức bị các đơn vị phòng không của chúng tôi bắn hạ", tuyên bố cho biết thêm.
Bên cạnh các đòn không kích qua lại, lực lượng Ấn Độ và Pakistan cũng đấu pháo dọc LoC suốt buổi sáng. Tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, có báo cáo 11 người thiệt mạng. Trong khi đó, ở phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, một quan chức địa phương đã tử vong.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kêu gọi giảm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ vụ Pahalgam và các cuộc không kích của Ấn Độ sau đó vào ngày 7/5 hiện vẫn còn xa mới kết thúc. Dù vậy, khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa hai cường quốc hạt nhân vẫn được đánh giá là khó có thể xảy ra.
Thế Hải (Theo Bulgarianmilitary)