Đàm phán thương mại Mỹ - Ấn Độ có tín hiệu khả quan

Sau cuộc gặp của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tuần này, hai bên đã nhất trí về các điều khoản đàm phán chung cho thỏa thuận thương mại song phương...

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại New Delhi, Ấn Độ ngày 21/4 - Ảnh: AP

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại New Delhi, Ấn Độ ngày 21/4 - Ảnh: AP

“Mỹ mong muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường, thuế quan thấp hơn và ít rào cản phi thuế quan hơn, cũng như một loạt các cam kết khác từ Ấn Độ”, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết trong một thông cáo sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.

Trước đó, vào ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump thông báo chính sách thuế đối ứng với gần 200 đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có khoảng 60 đối tác chịu mức thuế quan từ 11-50%. Ấn Độ chịu mức thuế quan 26%. Tới ngày 9/4, vị Tổng thống hoãn áp dụng chính sách này trong vòng 90 ngày để dành thời gian cho đàm phán.

Những tuần gần đây, chính quyền của ông đã thông báo cho Quốc hội về các cuộc đàm phán đang diễn ra. Các thỏa thuận thương mại tự do toàn diện cần có sự phê duyệt của Quốc hội để có hiệu lực.

Theo nguồn tin của tờ báo Wall Street Journal, đàm phán thương mại giữ Mỹ và Ấn Độ sẽ có phạm vi rộng hơn so với các thỏa thuận thuế quan mà chính quyền Trump đang xúc tiến đàm phán với hàng chục đối tác thương mại trước khi thời hạn hoãn thuế đối ứng kết thúc vào tháng 7 tới.

Sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ, văn phòng của Thủ tướng Modi phát đi thông cáo nói rằng hai nhà lãnh đạo đã “xem xét và đánh giá một cách tích cực về tiến trình hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực”.

“Hai bên đánh giá cao bước tiến lớn trong việc đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia”, thông cáo nêu rõ. “Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những nỗ lực liên tục nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, công nghệ chiến lược và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời kêu gọi giải quyết bất động thông qua đối thoại và ngoại giao”.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Hai nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030. Một thỏa thuận thương mại sẽ giúp tăng cường đáng kể mối quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa hai quốc gia này.

Theo thông cáo của văn phòng Phó Tổng thống Vance, hai bên có cơ hội đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới và hiện đại, tập trung vào tạo việc làm và phúc lợi cho người dân hai nước, với mục tiêu tăng cường thương mại song phương và hội nhập chuỗi cung ứng theo hướng cân bằng và cùng có lợi.

Chuyến công du đầu tiên của ông Vance tới Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm tránh bị chính quyền Trump tăng thuế quan. Chuyến thăm cũng diễn ra giữa lúc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á - leo thang.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ là một đối tác thân cận, một đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ và có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Ấn Độ và Mỹ đều là thành viên của nhóm Bộ tứ (Quad) - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Nhóm này được xem là một đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Trump dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Quad tại Ấn Độ vào cuối năm nay.

Hồi đầu tháng 2, ông Modi là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên tới Mỹ và gặp ông Trump sau khi vị Tổng thống trở lại Nhà Trắng. Trong chuyến công du này, ông Modi ca ngợi “mối quan hệ đối tác lớn" giữa Ấn Độ và Mỹ, đồng thời đẩy mạnh đàm phán để giảm thiểu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của ông Trump.

New Dehli cho biết sẽ mua thêm dầu mỏ, năng lượng và thiết bị quân sự của Mỹ. Trong vài tháng qua, chính quyền của ông Modi cũng hợp tác với phía Mỹ để tiếp nhận người nhập cư quốc tịch Ấn Độ bị Mỹ trục xuất.

Việc đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ có vai trò với Ấn Độ trong bối cảnh nền kinh tế nước này giảm tốc tăng trưởng. Theo Bộ trưởng Kinh tế Ấn Độ Ajay Seth, thuế quan của ông Trumpc có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 0,5 điểm phần trăm. Nhận định con số này không lớn nhưng ông Seth nhấn mạnh rằng rủi ro lớn hơn với Ấn Độ là nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Chính phủ Ấn Độ hiện vẫn duy trì dự báo tăng trưởng năm 2025-2026 là từ 6,3-6,8%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 của nước này xuống 6,2% do bất ổn thương mại. Các ngân hàng gồm Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng hạ mức dự báo xuống 6,1%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,5% của năm ngoái.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dam-phan-thuong-mai-my-an-do-co-tin-hieu-kha-quan.htm
Zalo