Đàm phán Mỹ-Indonesia về thuế quan: Những đề xuất và kết quả
Nhóm đàm phán của Indonesia đang có mặt tại Mỹ để đàm phán về mức thuế quan đối ứng 32% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với Indonesia. Bộ trưởng điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto sáng 18/4 đã có cuộc họp báo trực tuyến để thông báo về kết quả đàm phán.
Tham dự họp báo trực tuyến có Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, Thứ trưởng Tài chính II Thomas Djiwandono và Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mari Elka Pangestu. Trong cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Airlangga cho biết chính phủ Indonesia và Mỹ đã nhất trí hoàn tất các cuộc đàm phán thuế quan thương mại song phương sớm nhất có thể. Các cuộc đàm phán diễn ra nồng ấm và mang tính xây dựng.
Hai nước đã thống nhất về định dạng hợp tác sẽ được thảo luận đầy đủ trong vòng 60 ngày tới. Những đề xuất chính của Indonesia tại cuộc họp bao gồm: “Các cam kết của Indonesia về việc tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ. Indonesia công bố kế hoạch mua khí hóa lỏng và dầu thô như một phần trong nỗ lực duy trì cán cân thương mại. Thứ 2 là tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, sẵn sàng mở rộng nhập khẩu lúa mì và các sản phẩm làm vườn. Thứ 3 là tạo điều kiện cho các công ty Mỹ đầu tư vào Indonesia. Chính phủ Indonesia cam kết đẩy nhanh quá trình cấp phép và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại nước này. Thứ 4 là hợp tác chiến lược về khoáng sản quan trọng. Thứ 5 là quan hệ đối tác và kinh tế số, khuyến khích tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ, kinh tế số và phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học -kỹ thuật và các dịch vụ tài chính ngày càng tăng của Indonesia có xu hướng mang lại lợi ích cho Mỹ".

Họp báo trực tuyến của Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto về đàm phán thuế quan với Mỹ
Bộ trưởng cũng cho rằng mức thuế xuất khẩu sản phẩm của Indonesia quá cao. Theo đó, Indonesia đã nhấn mạnh mức tăng đột biến về thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất và tôm. Chính phủ Indonesia nhấn mạnh nhu cầu bình đẳng thuế quan với các nước cạnh tranh. Liên quan đến vấn đề nới lỏng Mức thành phần linh kiện trong nước (TKDN) theo yêu cầu của Mỹ. Chính phủ Indonesia hiện đang thiết kế lại định dạng quy định này dựa trên các ưu đãi thay vì hạn chế, nhằm khuyến khích hiệu quả và đổi mới mà không làm suy yếu vị thế của ngành công nghiệp trong nước.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên phản ứng ngay lập tức trước việc áp thuế của Mỹ và tiến hành đàm phán song phương. Trước đó, các nước như Nhật Bản, Italia và Việt Nam cũng đã đề xuất đối thoại tương tự với Washington. Những đề xuất của Indonesia được kỳ vọng sẽ tạo ra mối quan hệ thương mại công bằng và cân bằng hơn, bao gồm việc duy trì tính bền vững của xuất khẩu Indonesia sang thị trường Mỹ.
Đánh giá về các bước đi trong nước để giảm những biện pháp tác động, Indonesia đang chuẩn bị một gói kinh tế và bãi bỏ quy định toàn diện cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan như các ngành thâm dụng lao động và nghề cá. 3 lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để tập trung vào hiệu quả, khả năng cạnh tranh và bãi bỏ quy định.