Đam mê của họa sĩ Nguyễn Văn Thao
Bằng tình yêu cháy bỏng với hội họa, họa sĩ Nguyễn Văn Thao, nguyên là công nhân lái cầu trục tại Nhà máy Luyện thép Lưu Xá, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã nỗ lực vượt khó khăn, theo đuổi đam mê và trở thành một họa sĩ danh tiếng trong ngành hội họa Việt Nam...
Theo đuổi đam mê
Các bức họa chân dung trong căn nhà của họa sĩ Nguyễn Văn Thao, phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), truyền tải đến chúng tôi sắc màu trạng thái tâm trạng, cảm xúc của những nhân vật trong các bức tranh. Họa sĩ Nguyễn Văn Thao tươi cười: “Để có những bức tranh chân dung, người họa sĩ chúng tôi phải hiểu được nhân vật từ các thăng trầm, biến cố cuộc đời đến ước mơ và lý tưởng sống”. Anh kể tiếp: “Dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức năm 1980 ở Hà Nội, tôi vinh dự được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với các họa sĩ: Về lĩnh vực lao động, sản xuất, các đồng chí họa sĩ vẽ rất tốt. Nhưng tôi thấy thiếu, thiếu những bức vẽ các anh hùng, những tướng tài, vị lãnh tụ. Các đồng chí phải suy nghĩ về điều đó”.
Lời gợi mở của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thôi thúc họa sĩ Nguyễn Văn Thao nghiên cứu và đi sâu vào con đường sáng tác tranh chân dung các anh hùng, chính khách, các vị tướng tài. Ở mảng tranh chân dung, nhất là tranh các chính khách, nhân vật lịch sử đòi hỏi tính chân thực và thời sự rất cao. Bởi vậy, họa sĩ Văn Thao luôn nghiêm túc học hỏi, trau dồi các kiến thức lịch sử, địa lý và cả phông nền chính trị để mỗi bức vẽ phải “có hồn”, sống động, đem đến cho người xem cảm giác chân thực nhất. Biết bao nhiêu lần, những bức tranh chân dung khi vừa vẽ xong đã phải xé bỏ bởi nhìn thì giống nhưng chưa gợi cảm xúc. “Băn khoăn vẽ làm sao cho giống thực, lại phải độc đáo là câu chuyện khó với cả đời cầm cọ của mỗi họa sĩ chúng tôi”, họa sĩ Văn Thao tâm sự.
![Họa sĩ Nguyễn Văn Thao (đứng cạnh huấn luyện viên Park Hang-seo) và bức chân dung huấn luyện viên Park Hang-seo do ông vẽ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_16_51431363/77715962632c8a72d33d.jpg)
Họa sĩ Nguyễn Văn Thao (đứng cạnh huấn luyện viên Park Hang-seo) và bức chân dung huấn luyện viên Park Hang-seo do ông vẽ.
Miệt mài và tâm huyết với nghề, họa sĩ Văn Thao đã thành công trên bước đường nghệ thuật hội họa với nhiều bức chân dung để đời. Tiêu biểu như, bức chân dung Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, được Bộ Ngoại giao lựa chọn để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Tổng thống nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9-2023. Họa sĩ Văn Thao chia sẻ: "Là một công dân, tôi rất mừng trước sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, đó là kết quả của phương châm ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng ta. Vì thế, tôi ấp ủ ý tưởng và họa lại chân dung ngài Joe Biden. Tôi rất vinh dự khi bức tranh của mình được chọn là món quà trao tặng một nguyên thủ quốc gia”.
“Truyền lửa” nghề
Họa sĩ Nguyễn Văn Thao sinh năm 1947, ở Thanh Hóa, khi đang là công nhân lái cầu trục tại Nhà máy Luyện thép Lưu Xá, anh được cấp trên cử đi học lớp vẽ phong trào do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, rồi miệt mài học hỏi, trở thành thợ vẽ tranh cổ động tuyên truyền của Nhà máy. Quá trình “dấn thân” với nghề, anh đã có “cơ hội vàng” khi được các họa sĩ tên tuổi của Việt Nam như: Nguyễn Văn Tỵ, Lương Xuân Nhị, Phạm Văn Đôn giảng dạy. “Đó là các thầy giáo “đỡ đầu” cho lớp vẽ công nhân gang thép hồi đó, trong đó có tôi”, họa sĩ Văn Thao nhớ lại. “Khoảng cuối năm 1978, khi tôi sáng tác bức tranh sơn dầu “Đúc trục cán thép”, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã ôm tôi vào lòng, nói: “Anh hãy cố gắng học và rèn luyện mình, nhưng không được để mất cốt cách của một họa sĩ nghiệp dư trong làng công nhân mà họa sĩ chuyên nghiệp không thể có được. Lời nhắn nhủ chân tình của thầy đã theo tôi suốt cuộc đời cầm cọ sau này”.
Xuất phát từ người công nhân vẽ tranh cổ động tuyên truyền nên trong nghề vẽ, họa sĩ Văn Thao luôn coi trọng việc tự học hỏi, trau dồi kiến thức cơ bản về hình họa và các lĩnh vực liên quan, nhất là kiến thức về chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao trình độ sáng tác của mình. Năm 1979, họa sĩ Văn Thao có thành công bước đầu khi bức tranh “Đúc trục cán thép” màu sơn dầu của anh đoạt giải B (không có giải A) tại Triển lãm mỹ thuật tỉnh Bắc Thái. Bức tranh này được Vụ Mỹ thuật Việt Nam chọn dự Triển lãm tranh công nghiệp khối xã hội chủ nghĩa tại Đức. Đó chính là động lực lớn để anh trở về Nhà máy Luyện thép Lưu Xá, tiếp tục với đam mê vừa kẻ vẽ tuyên truyền cho phong trào lao động sản xuất của đơn vị, vừa luyện vẽ ký họa lấy tài liệu sáng tác tranh cổ động, tranh an toàn phục vụ sản xuất thép. Và cũng từ sau lớp vẽ phong trào ấy, anh trở thành họa sĩ nghiệp dư trẻ có tiếng ở khu gang thép. Tranh cổ động của anh nhiều năm qua được treo tại các con đường vào Nhà máy, quảng trường công nhân.
Vượt qua những gian truân, trở ngại với nghề, niềm đam mê hội họa và ý chí không ngừng nỗ lực vươn lên đã mang lại cho ông nhiều thành công. Hơn 40 năm cầm cọ, họa sĩ Văn Thao đã có nhiều tác phẩm vẽ chân dung các nhân vật nổi tiếng, danh nhân, chính khách, tham dự nhiều triển lãm, cuộc đấu giá và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đặc biệt hơn, niềm đam mê và ý chí của họa sĩ, công nhân Văn Thao đã "truyền lửa" cho các con và thế hệ trẻ yêu thích hội họa. Con gái đầu của họa sĩ Văn Thao là Diễm Hằng đã thi đỗ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với số điểm cao cho bài vẽ đầy sáng tạo; con trai út Công Thành cũng thi đỗ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với số điểm cao, thủ khoa môn vẽ. Đồng thời, hơn 20 năm mở lớp hội họa tại tư gia, họa sĩ Văn Thao đã truyền cảm hứng, uốn nắn từng đường cọ, nét vẽ cho các cháu theo học, góp phần giúp hàng trăm em thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tiêu biểu như: Em Lý Dư Diệu Huyền vượt hàng chục cây số từ huyện Định Hóa tới học.
Gần 3 năm theo lớp vẽ của thầy, Huyền đã xuất sắc đỗ cả Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Giờ em đang là sinh viên năm thứ ba thiết kế đồ họa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Hằng năm, vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), căn nhà của họa sĩ Văn Thao lại tiếp đón nhiều thế hệ học sinh đã và đang học vẽ của ông tới thăm, tri ân. “Tôi nghĩ tới những chàng trai, cô gái thanh niên cũng như mình ngày xưa đam mê hội họa nên đã dạy các em với tất cả tâm huyết như một người cha dạy các con. Và chính cơ duyên làm thầy dạy vẽ cho các em đã giúp tôi thêm một lần nữa được rèn luyện và vượt lên chính mình, sáng tác nên những tác phẩm chân dung sâu sắc hơn”, họa sĩ Nguyễn Văn Thao tâm sự.