Dám làm vì lợi ích chung
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng kinh tế khi dẫn đầu cả nước. Thành công này có một phần quan trọng do tinh thần dám làm vì lợi ích chung, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt.
Động lực cho tăng trưởng kinh tế
Giữa tháng 6/2023, tỉnh Bắc Giang đón nhận một sự kiện quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của địa phương đó là khánh thành dự án cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thuộc địa phận xã Quang Châu (Việt Yên). Cây cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch, hàng hóa ở nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều phải vận chuyển qua đây. Trước đó, cầu Như Nguyệt thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm nên việc khánh thành công trình đã tháo gỡ một điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Cầu Như Nguyệt hoàn thành thi công mở rộng đã thể hiện tinh thần dám làm vì lợi ích chung của tỉnh Bắc Giang. Bởi lẽ, tỉnh đã mạnh dạn đề xuất với T.Ư dùng vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án xây dựng công trình này thay cho vốn ngân sách T.Ư.
Dự lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiều năm qua, cầu Như Nguyệt là nút thắt, điểm nghẽn giao thông. Bởi vậy, Thủ tướng vui mừng khi công trình được đưa vào khai thác đã giải tỏa điểm nghẽn này, thúc đẩy liên kết các vùng. Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh Bắc Giang, qua đó đã đề xuất và triển khai dự án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Tháng 6, một tình huống đột xuất xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất đó là thiếu điện trầm trọng ở miền Bắc. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp “khẩn” với các doanh nghiệp, các sở, ngành và công ty điện lực để tìm giải pháp. Sau cuộc họp, UBND tỉnh có một quyết định sáng tạo, qua đó giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về điện đó là ưu tiên cấp điện sản xuất vào ban ngày, còn ban đêm cấp điện sinh hoạt. Cách làm này giúp doanh nghiệp chủ động được lịch sản xuất, đáp ứng đơn hàng của đối tác. Điều này cũng thể hiện tinh thần dám làm vì lợi ích chung của tỉnh.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tinh thần trách nhiệm với công việc của đội ngũ cán bộ, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang. Trong cuộc trao đổi liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, ông Vinh Văn Hữu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Yadea tại Việt Nam cho biết, Tập đoàn Yadea (Trung Quốc) đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang) với tổng vốn dự kiến đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD với sản phẩm xe điện xuất khẩu. Tỉnh Bắc Giang là nơi đầu tiên tập đoàn đầu tư ra nước ngoài. “Tôi đánh giá rất cao lãnh đạo và các ban, ngành tỉnh Bắc Giang đã tích cực hỗ trợ, đồng hành với tập đoàn trong quá trình đầu tư tại tỉnh”, ông Hữu nhấn mạnh.
Bên cạnh những yêu cầu mang tính nền tảng về phẩm chất, trình độ, năng lực, cán bộ trong giai đoạn hiện nay cần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, việc phát huy nội lực, tinh thần dám làm vì lợi ích chung là một trong những nhân tố hàng đầu để tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Trong bối cảnh có lúc, có nơi cán bộ, người đứng đầu vẫn còn dấu hiệu đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 26 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có tác động rất lớn đến toàn hệ thống chính trị, giúp phát huy nội lực, khuyến khích người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Để không còn trên “nóng” dưới “lạnh”
Thời gian qua, tinh thần dám làm vì lợi ích chung đã có sức lan tỏa đến nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Mới đây, tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ, đại biểu nêu vấn đề, thời gian qua, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh trách nhiệm dẫn đến hiệu quả công việc không cao.
Trả lời, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Mạnh Hùng cho biết, qua công tác theo dõi, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho thấy, ý kiến như đại biểu nêu trên là đúng. Thực tế vẫn còn cán bộ, công chức chưa thật sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thuộc quyền quản lý. Đồng thời, có cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, có tâm lý làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm nên không dám làm; có tư tưởng, quan niệm làm nhiều sai nhiều.
“Biểu hiện của việc né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị; kéo dài quá trình xử lý công việc, nhiệm vụ được giao, gây cản trở trong công việc, giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền”, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho hay.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bước sang năm 2024, một trong những giải pháp của tỉnh là tiếp tục khắc phục những biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm dẫn đến không dám làm. Tiếp tục phân công, phân cấp, giao rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân tập trung triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm mới; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Các cấp, ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt phương châm “3 dám”, “3 hơn”, “5 rõ” theo tinh thần Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ.
Cùng với đó, tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn; tạo được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn. Đồng thời điều chỉnh, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm chính; khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, không quy được trách nhiệm cụ thể khi có sự việc xảy ra.
Tiếp tục cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.
Tuấn Vũ