Đảm bảo việc chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên khách quan, minh bạch

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân chiều 19/5, các đại biểu cơ bản thống nhất với chủ trương cho phép chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên và Điều tra viên. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn bắt buộc để việc chuyển đổi diễn ra khách quan, minh bạch, góp phần kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Chiều 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Thảo luận về dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng; cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Tán thành hệ thống VKSND gồm 03 cấp

Góp ý về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (khoản 3 Điều 1), nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) gồm 03 cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực. Các đại biểu tán thành cao với quy định như dự thảo Luật và định hướng tinh gọn này cũng như bày tỏ đồng tình với chủ trương kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhất trí với quy định này, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc nguyên tắc xác định địa bàn hoạt động của VKSND khu vực một cách cụ thể nhằm đảm bảo tính tương thích với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân, thuận lợi cho hoạt động tố tụng và tránh tình trạng chồng chéo. Đồng thời cần có quy định chuyển tiếp rõ ràng để bảo đảm không gián đoạn hoạt động của Viện kiểm sát và rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đảm bảo việc chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên khách quan, minh bạch

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại Phiên thảo luận ở hội trường là việc chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên quy định tại khoản 13 Điều 1 của dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thống nhất với với chủ trương cho phép chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên và Điều tra viên. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn bắt buộc để việc chuyển đổi diễn ra khách quan, minh bạch, bảo đảm tính chuyên môn sâu, góp phần kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định này rất cần thiết vì trong quá trình thực hiện công tác, Kiểm sát viên và Điều tra viên là những người có thẩm quyền trực tiếp giải quyết các vụ án liên quan đến quyền con người và quyền công dân theo luật định. Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, thực tiễn hoạt động thời gian qua phát sinh nhu cầu chuyển đổi ngạch Kiểm sát viên sang ngạch Điều tra viên và ngược lại, qua đó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cũng như để thực hiện công tác đào tạo cán bộ. Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, việc bổ sung quy định này như dự thảo Luật là phù hợp.

Đồng tình giữ nguyên 04 ngạch Kiểm sát viên như Luật hiện hành

Liên quan đến các ngạch Kiểm sát viên quy định tại khoản 19 Điều 1, đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, dự thảo Luật tiếp tục giữ nguyên quy định hiện hành về 04 ngạch Kiểm sát viên. Ngoài ra, sửa tên gọi của ngạch Kiểm sát viên trung cấp thành Kiểm sát viên chính, Kiểm sát viên sơ cấp thành Kiểm sát viên.

Về vấn đề này, đại biểu Lý Văn Huấn nhận thấy, dự thảo Luật sửa đổi ngạch Kiểm sát viên để đảm bảo đồng bộ với các quy định về ngạch công chức trong Luật Cán bộ, công chức, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay theo đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hiện nay đang thực hiện mô hình Viện kiểm sát 03 cấp.

“Theo đó, kết thúc hoạt động của Viện kiểm sát cấp huyện và thành lập Viện kiểm sát khu vực, thay đổi địa giới hành chính của các tỉnh nên về giấy tờ của kiểm sát viên, kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp của cấp tỉnh, cấp huyện cũng phải thay đổi. Do đó, dự thảo Luật quy định về nội dung trên là rất cần thiết và phù hợp”, đại biểu Lý Văn Huấn nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tán thành với Báo cáo tiếp thu của Cơ quan chủ trì soạn thảo về quy định ngạch kiểm sát viên là giữ nguyên 04 ngạch Kiểm sát viên như quy định của Luật Tổ chức VKSND hiện hành để đảm bảo tương đồng và đồng bộ với các luật trong lĩnh vực tư pháp (như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án dân sự cũng đang quy định các ngạch: sơ cấp, trung cấp, cao cấp). Theo đó, Kiểm sát viên VKSND gồm 04 ngạch: Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên chính và Kiểm sát viên.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí với quy định về bổ sung số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC (khoản 27 Điều 1 của dự thảo Luật) lên không quá 27 người để bảo đảm đồng bộ với số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (theo Luật hiện hành, số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người).

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu

Cũng tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu nêu. Nhấn mạnh các ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết, trách nhiệm, và xác đáng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến này để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa các nội dung và hoàn thiện dự thảo Luật.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, các ý kiến phát biểu của đại biểu rất cụ thể, ngắn gọn, sâu sắc, thiết thực, tập trung vào các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, gồm: về phạm vi sửa đổi, về tổ chức hệ thống VKSND, thẩm quyền, quyền hạn, nhiệm vụ của từng cấp VKSND, về ngạch kiểm sát viên, về bổ sung số lượng kiểm sát viên VKSNDTC, về phạm vi địa hạt hoạt động của VKSND khu vực và tính tương đồng, đồng bộ giữa Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các quy định có liên quan cũng như tính đồng bộ với các luật khác và điều ước quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề ĐBQH quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo lại ĐBQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện kiểm tra nhân dân tối cao khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật về Tư pháp và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này.

Bích Ngọc - Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94188
Zalo