Kiểm soát chặt thị trường hàng tiêu dùng
Thị trường hàng tiêu dùng ở nông thôn, miền núi còn rất nhiều tiềm năng bởi dân số đông, thu nhập và điều kiện sống của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy vậy, thách thức đặt ra là nhiều mặt hàng không được kê khai và niêm yết giá, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc... vẫn chưa được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng
Bà T.T.N (68 tuổi), ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, tôi mua hàng chưa bao giờ xem ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Vừa rồi, tôi mua tặng cháu gái hộp bánh bông lan, nhưng mẹ con bé phát hiện bánh đã hết hạn sử dụng từ ngày 1/3/2025. Con dâu tiếp tục kiểm tra các sản phẩm tôi vừa mua thì phát hiện 3 hộp bánh, 1 lon mạch nha (lon thiếc) đã hết hạn sử dụng cách đây gần 3 tháng. “Sản phẩm hết hạn sử dụng phải bỏ, tôi vừa tiếc tiền, cũng vừa giận bản thân không cẩn thận kiểm tra hàng hóa trước khi mua, bà H giãi bày.
Còn chị Đinh Thị Nhi (25 tuổi), ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) chia sẻ, tôi thường mua hàng tại cửa hàng tạp hóa gần nhà hoặc xe bán hàng lưu động. Cần mua gì thì nói tên sản phẩm, người ta đưa hàng. Nhiều lúc không đủ tiền thì tôi mua các túi lẻ đã được người bán chia nhỏ. Trước giờ, tôi không xem hay hỏi thông tin liên quan đến sản phẩm, vì người bán họ nói “yên tâm, hàng tốt” thì mình nghe vậy và sử dụng, chứ cũng không tìm hiểu gì thêm.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần hình thành thói quen xem kỹ nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng của hàng hóa trước khi mua.
Thực tế, một bộ phận người tiêu dùng nông thôn, miền núi không quan tâm đến thông tin xuất xứ, nhãn mác, chất lượng hàng hóa; cũng không phản ánh hoặc kiến nghị đến cơ quan chức năng nếu mua phải hàng giả, hàng hết hạn sử dụng.Theo Chủ tịch UBND xã Long Mai (Minh Long) Trần Văn Lịch, nhiều người dân ở nông thôn, miền núi mua hàng hóa theo thói quen “truyền miệng”, chứ họ chưa quan tâm, cũng không có điều kiện để tìm hiểu, kiểm chứng các thông tin liên quan đến chất lượng. Vì vậy, không loại trừ nguy cơ các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tràn về khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm soát hàng hóa là của các cơ quan chức năng chuyên môn, chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền, nhắc nhở người dân cẩn trọng khi mua hàng hóa. “Tuyên truyền, trang bị, nâng cao kỹ năng nhận biết dấu hiệu hàng giả cho người tiêu dùng nông thôn, miền núi là cần thiết, nhưng yêu cầu họ phải “thông thái” trong mua sắm hàng hóa là việc khó. Bởi nhiều người không đủ kỹ năng phân biệt tem hàng thật, hàng giả, hoặc đọc hiểu các thành phần ghi trên bao bì, nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm”, ông Lịch bày tỏ.
Công khai, xử lý nghiêm những vi phạm
Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca phân tích, một trong những nguyên tắc tiêu dùng là “đồng tiền gắn liền với giá trị hàng hóa”. Sẽ không có hàng hóa chất lượng tốt mà giá lại rẻ, ngoại trừ những nhãn hàng do các đơn vị sản xuất, phân phối uy tín được cấp phép tổ chức khuyến mãi, hoặc có sự trợ giá của Nhà nước. Do đó, không chỉ người tiêu dùng nông thôn, miền núi mà ngay cả khu vực thành thị cũng nên hình thành thói quen xem rõ nhãn mác, thời hạn sử dụng trên bao bì. Nếu nghi ngờ thông tin hoặc chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng không nên mua, đồng thời thông báo đến cơ quan chức năng. Do đó, trong các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi luôn chú trọng khâu quản lý và sàng lọc kỹ hàng hóa.
Người dân khu vực nông thôn, miền núi ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông nên quá trình mua sắm, tiêu dùng ngày càng có sự chuyển biến tích cực. Nếu trước đây, thị trường nông thôn, miền núi gắn với phân khúc sản phẩm giá thấp thì nay, người tiêu dùng khu vực này quan tâm và sẵn sàng chi tiền để mua những sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe bản thân và gia đình. Vì vậy, các nhà sản xuất và phân phối nên chú trọng giới thiệu, quảng bá các mặt hàng mới, đảm bảo chất lượng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi.
Chủ tịch UBND xã Bình Dương (Bình Sơn) Đỗ Tiến Quang cho rằng, bên cạnh tuyên truyền người dân nên lựa chọn mua sắm ở những cở sở uy tín, địa chỉ rõ ràng, thì lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất và buôn bán hàng hóa. Đặc biệt, cần công khai thông tin doanh nghiệp, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời niêm yết danh sách những mặt hàng vi phạm tại các cửa hàng, đại lý cho người dân biết để chủ động phòng ngừa.
Bài, ảnh: THANH PHONG