Đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Phó giám đốc Sở Y tế LƯU VĂN DŨNG cho biết, chủ đề này nhằm nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay điều kiện sống, đều có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế.
Đồng Nai hiện có khoảng 7 ngàn người nhiễm HIV/AIDS
Xin ông cho biết tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Tính cuối năm 2023 đến giữa tháng 9-2024, số người nhiễm HIV mới được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 356 trường hợp (trong đó 155 trường hợp có địa chỉ thường trú trong tỉnh). Cộng dồn đến nay, toàn tỉnh có khoảng 7 ngàn người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có hơn 6,5 ngàn trường hợp đã được quản lý, đưa vào điều trị. Thành phố Biên Hòa là địa phương có số người nhiễm HIV nhiều nhất với hơn 4,7 ngàn trường hợp.
Số người nhiễm HIV phát hiện mới có địa chỉ thường trú trong tỉnh giảm 51 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023, số ca tử vong do HIV/AIDS là 30 ca, giảm 8 ca so với năm ngoái.
Nhóm đối tượng nào đang chiếm tỷ lệ cao nhất, thưa ông?
- Nhóm đối tượng nam thanh niên từ 15-34 tuổi tại khu vực thành thị và nơi có nhiều khu công nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 60%. Trước đây, nhóm đối tượng nguy cơ cao như: nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất thì nay đã chuyển sang nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới. Thống kê cho thấy, riêng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ nhiễm HIV tăng gấp đôi, từ 6,7% năm 2014 lên 12,4% vào năm 2023. Qua đó cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới do các yếu tố liên quan đến di biến động dân cư giữa các tỉnh, thành phố lân cận, nhất là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 249 ngàn người nhiễm HIV. Trong năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 13,4 ngàn trường hợp nhiễm mới HIV, hơn 1,6 ngàn trường hợp tử vong. Trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV có 84,2% là nam giới và lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 80,8%.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong số những ca nhiễm HIV mới, có đến gần 40% số ca nhiễm mới ở lứa tuổi 15-25, xuất hiện trong nhóm người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hình thái lây truyền HIV có gì mới so với trước đây, thưa ông?
- Nếu như trước đây, dịch bệnh HIV chủ yếu lây qua đường máu thì giờ đây HIV chủ yếu lây qua đường tình dục. Đáng lưu ý, các hành vi có nguy cơ phức tạp như: sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chất kích thích trong quan hệ tình dục (chemsex), quan hệ tình dục tập thể cũng đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C, làm gia tăng gánh nặng cho ngành y tế.
Tăng cường tuyên truyền, dự phòng, điều trị
Kết quả điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV cũng như điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt kết quả ra sao?
- Chương trình Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tiếp tục được duy trì tại 9 cơ sở trong tỉnh. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở này là 1.059/1.404 bệnh nhân, đạt 75,4% chỉ tiêu Chính phủ giao.
Về điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, hiện có 10 cơ sở tiếp nhận và điều trị cho 5.437 bệnh nhân. Trong đó có 72 bệnh nhân dưới 15 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và 89 bệnh nhân điều trị trong Trại giam Xuân Lộc. Hiện số bệnh nhân đang điều trị có thẻ bảo hiểm y tế là hơn 5,2 ngàn trường hợp.
Việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV đã giúp họ ổn định sức khỏe và tâm lý để hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nhiều bệnh nhân HIV tuân thủ chỉ định điều trị tốt đã không lây cho vợ/ chồng/ bạn tình. Nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể sinh con mà không bị nhiễm HIV. Trong 9 tháng của năm nay, có 42 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm chẩn đoán sớm nhiễm HIV bằng PCR. Kết quả, có 40 trẻ âm tính với HIV, 2 trẻ dương tính với HIV.
Theo ông, chúng ta cần làm gì để giảm số ca mắc mới HIV/AIDS?
- Không chỉ Đồng Nai mà cả nước đang quyết tâm và hành động mạnh mẽ trong việc triển khai những sáng kiến mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phải kể đến như việc áp dụng tất cả các chiến lược xét nghiệm HIV hiện có với chiến lược “Không phát hiện = Không lây nhiễm”, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc PrEP…
Hiện nay, Quỹ Toàn cầu tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các địa phương, trong đó có Đồng Nai, thực hiện các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS thông qua các dự án. Ngoài ngành y tế còn có thêm nhiều doanh nghiệp xã hội, phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh tham gia cung cấp các dịch vụ truyền thông, tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng, điều trị phơi nhiễm, điều trị bằng thuốc ARV cho những người có nguy cơ cao và những bệnh nhân đã xác định nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, những việc làm đó là chưa đủ, chúng tôi mong muốn sự vào cuộc, đồng hành, quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, nam giới trẻ tuổi để họ hiểu hơn về sự nguy hiểm của HIV/AIDS. Từ đó có lối sống lành mạnh, biết bảo vệ sức khỏe của bản thân, người thân và cả cộng đồng.
Đồng Nai hiện có 5 phòng xét nghiệm được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Long Thành, Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trong 9 tháng của năm 2024, các cơ sở trên đã xét nghiệm hơn 64,8 ngàn mẫu, phát hiện 340 mẫu dương tính.
Ngành y tế sẽ làm gì để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người dân, thưa ông?
- Ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; nâng cao sự hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Trong đó, sẽ tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV. Cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Đẩy mạnh truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV như: xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tổ chức các điểm cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp…