Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các đơn vị y tế
Y tế là ngành lao động đặc thù, người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với bệnh nhân, hóa chất, phóng xạ, xử lý dịch bệnh... nên rất dễ bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chính vì vậy, các cơ sở y tế luôn chú trọng an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế trong môi trường làm việc.

Các kỹ thuật viên tại Trung tâm KSBT tỉnh Bắc Kạn thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ trong quá trình xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm.
Tại Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Bắc Kạn, trung bình mỗi ngày các kỹ thuật làm xét nghiệm của khoa phải tiếp nhận hàng trăm mẫu bệnh phẩm được chuyển đến từ các cơ sở y tế trong tỉnh. Thường xuyên tiếp xúc như vậy, yếu tố nguy cơ lây nhiễm từ các mẫu bệnh phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cao. Bên cạnh việc làm tốt công tác xét nghiệm, đưa ra được những kết quả chính xác, thì ý thức đảm bảo ATVSLĐ được toàn thể nhân viên trong Khoa đặc biệt quan tâm để tránh bị phơi nhiễm, hoặc lây nhiễm chéo.
Kỹ thuật viên Hà Thị Huệ cho biết: "Nhằm đảm bảo VSATLĐ trong quá trình xét nghiệm và nhận mẫu bệnh phẩm, từ khâu nhận mẫu đến khâu xử lý mẫu và xét nghiệm... chúng tôi đều thực hiện đúng quy trình; mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mũ theo đúng quy định trong quá trình xét nghiệm và khi làm xét nghiệm xong, bảo quản, lưu giữ mẫu theo đúng quy định để tránh lây nhiễm cho bản thân và đồng nghiệp...".
Trên thực tế, nhân viên ngành y tế, dù ở bất kỳ vị trí nào, từ phòng xét nghiệm, cũng như tại các phòng khám bệnh nhân, đều có thể bị lây nhiễm bệnh. Nhân viên làm ở các bộ phận trực tiếp cấp cứu, ngoại sản, nhi, hồi sức cấp cứu có tỷ lệ dễ bị tổn thương do vật sắc nhọn cao. Trong đó điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên là những người dễ bị lây nhiễm nhiều nhất, vì họ là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật tiêm, truyền, lấy máu xét nghiệm, thay băng, đỡ đẻ, phụ mổ, xử lý dụng cụ sau phẫu thuật, thủ thuật... Một số bệnh nghề nghiệp thường mắc phải, như: HIV/AIDS, lao, viêm gan vi rút, sốt xuất huyết, cúm, tả lỵ thương hàn…

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca mổ mắt cho bệnh nhân.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề khám, điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh Lao, HIV/AIDS, bác sĩ Triệu Thị Thủy, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TTKSBT tỉnh chia sẻ: "Xác định làm nghề y rất dễ bị phơi nhiễm với bệnh nghề nghiệp, nhất là khi thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao hoặc HIV/AIDS, nên chúng tôi luôn tự trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản, thực hiện đúng quy trình ATVSLĐ, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động trước khi khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân...".
Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, hằng năm Sở Y tế Bắc Kạn đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bảo hộ lao động đối với người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn về ATVSLĐ. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chuyên môn, chế độ chính sách đối với người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn xanh - sạch - đẹp.
Ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đề nghị các đơn vị y tế trong tỉnh tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Đây là đợt cao điểm về hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời thúc đẩy các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong toàn ngành.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, triển khai các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.../.