Đảm bảo an toàn thực phẩm và bình ổn thị trường Tết

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt, bia rượu, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Đến hẹn lại lên, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm (ATTP) đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP: Các hoạt động bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025 triển khai đến ngày 25/3/2025, với nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền công tác quản lý ATTP; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2025. Qua đó, nhằm đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025, phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe. Đồng thời, đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến và xuất, nhập khẩu thực phẩm.

Tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến huyện/thị xã/thành phố, xã/phường/thị trấn. Qua đó, sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tập trung kiểm tra những cơ sở SXKD các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong đó, các đoàn tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở SXKD, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra. “Công tác kiểm tra nhằm bảo đảm ATTP trong SXKD và sử dụng thực phẩm. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc SXKD thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025”- TS.BS Trần Quang Hiền cho biết.

Đoàn công tác giám sát bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Đoàn công tác giám sát bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Bình ổn thị trường Tết

Cùng với đảm bảo ATTP, công tác bình ổn thị trường hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân những ngày giáp Tết không kém phần quan trọng. Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Hồ cho biết: “Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là lúc nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hoặc biến động giá cả. Sở Công Thương có vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch bình ổn thị trường. Hàng năm, sở dự báo và cân đối cung cầu, thường xuyên theo dõi và phân tích nhu cầu thị trường. Từ đó, phối hợp các doanh nghiệp để dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xăng dầu”.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ cho biết, toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn thị trường (tăng 50% so cùng kỳ), tổng trị giá hàng hóa để đảm bảo phục vụ trong dịp Tết khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… trên 727 tỷ đồng; nhóm hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.124 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 400 cửa hàng tiện lợi cũng dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình bình ổn giá, Sở Công Thương đã làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về vốn vay, kho bãi và vận chuyển, để đảm bảo giá cả ổn định. “Cùng với đó, chúng tôi tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá, cũng như kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa lưu thông trên thị trường” - ông Huỳnh Ngọc Hồ nói.

Qua giám sát, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều. Từ đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất UBND tỉnh biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. “Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp giám sát thị trường hàng hóa, giúp người dân có hàng hóa bình ổn giá đến tay người tiêu dùng”- ông Huỳnh Ngọc Hồ thông tin.

Theo thông lệ, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần, do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng. Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp; công tác chỉ đạo, điều hành của An Giang, cùng với chương trình bình ổn thị trường, sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm đã gia tăng hoạt động SXKD, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh thời tiết nắng nóng, đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATTP.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-va-binh-on-thi-truong-tet-a412875.html
Zalo