Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ tết và lễ hội xuân

'Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm nhằm đảm bảo tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý ATTP của các cấp, các ngành; triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp tết và lễ hội xuân 2025 từ tỉnh đến huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn' - Đây là mục đích, yêu cầu Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND tỉnh về 'Đảm bảo ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025'.

Sản phẩm yến sào của Công ty Yến sào Đinh Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) được công nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm yến sào của Công ty Yến sào Đinh Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) được công nhận OCOP 3 sao.

Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Toàn tỉnh có 18.598 cơ sở thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở (33,3%); trong đó, 1.664 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở (12,6%). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) quản lý 10.061 cơ sở (54,1%). Năm 2024, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh được quản lý, kiểm soát góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững ổn định sản xuất, thúc đẩy thị trường sản phẩm thực phẩm.

Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP các cấp đã được thành lập và kiện toàn khi có sự thay đổi, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; chỉ đạo toàn diện, kịp thời, hiệu quả những hoạt động về bảo đảm ATTP trên địa bàn quản lý. Các sở được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP (Y tế, NN và PTNT, Công Thương) đã ban hành 70 văn bản chỉ đạo về lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền. UBND các huyện, thành phố ban hành 145 văn bản chỉ đạo công tác ATTP trên địa bàn. Trong năm 2024, ngành Y tế đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức các đợt giám sát, thực hiện 636 mẫu xét nghiệm nhanh, đảm bảo ATTP phục vụ 13 sự kiện văn hóa, chính trị với hơn 11.530 suất ăn. Thành lập 692 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP; kiểm tra 6.050 cơ sở, xử phạt 275 cơ sở vi phạm với số tiền phạt trên 669 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: không có đủ dụng cụ sử dụng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, nơi chế biến có côn trùng động vật gây hại; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá; không thực hiện kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải không được che kín; phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; không có giá kệ; dụng cụ thu gom rác thải không có nắp đậy. Hàng hóa vi phạm, tịch thu, tiêu hủy chủ yếu là các sản phẩm từ động vật không đảm bảo ATTP và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nước uống, mì tôm, chai nước chấm hải sản không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng… trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy gần 100 triệu đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức cho 1.175 cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Triển khai tập huấn kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách nuôi ăn bán trú, chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm, người cung ứng thực phẩm tại các trường tham gia mô hình đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Tập huấn công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho đội ngũ y tế thôn, xóm. Cấp phát 61 nghìn tờ rơi, treo 100 băng rôn hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP, dịp Tết Trung thu 2024. Chủ động, tăng cường giám sát công tác đảm bảo ATTP tại 700 bếp ăn tập thể (doanh nghiệp, trường học) với trên 200 nghìn suất ăn/ngày.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Sinh Tiến, công tác xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tiếp tục được quan tâm, dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng, củng cố, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, tiếp tục hỗ trợ củng cố, duy trì và xác nhận cho 42 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Hoàn thiện và hỗ trợ thêm một chuỗi sản xuất, kinh doanh lúa, gạo. Tiếp tục giám sát và hướng dẫn 134 cơ sở, doanh nghiệp, vùng sản xuất duy trì chương trình quản lý chất lượng (VietGAP, HACCP, ISO, hữu cơ, ASC) đã được công nhận áp dụng. Hướng dẫn và hỗ trợ một số mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích toàn tỉnh khoảng 1.000ha như: Mô hình giống lúa của Công ty TNHH Cường Tân; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu của Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại một số xã của các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất rau các loại của huyện Ý Yên, Giao Thủy. Hỗ trợ 20 cơ sở, doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 72 sản phẩm, xây dựng nhãn mác hàng hóa sản phẩm, thương hiệu sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được quan tâm, chú trọng giúp cho nông sản của tỉnh tiêu thụ thuận lợi. Tổ chức 3 đoàn kết nối thương mại, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn và thành phố Hà Nội. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 100 cửa hàng tiện ích chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm nông sản an toàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, hạn chế. Việc xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATTP của một số địa phương còn chưa kịp thời, do đó hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP có những mặt còn hạn chế, yếu kém. Nhất là trong năm 2024, khi thực hiện chủ trương giải thể phòng Y tế cấp huyện, chuyển nhiệm vụ về Văn phòng UBND huyện, thành phố; đầu mối về ATTP tại các tuyến chưa rõ ràng, khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành. Công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại một số xã, phường, thị trấn còn yếu, đặc biệt là quản lý sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, kinh doanh thức ăn đường phố, ATTP tại các chợ; việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP... hiệu quả chưa cao. Xử lý vi phạm về ATTP còn khiêm tốn, đặc biệt tại tuyến huyện và xã. Cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ pháp lý, điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị; trong khi đó nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận đã sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Là địa phương có nhiều lễ hội đầu xuân thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự. Do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp tết và lễ hội đầu xuân trên địa bàn tỉnh rất sôi động, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trà trộn thẩm lậu thực phẩm không an toàn. Thực hiện Kế hoạch số 1751/KH-BCĐTWATTP ngày 18/12/2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 27/12/2024 về đảm bảo ATTP phục vụ tết và lễ hội xuân 2024 trên địa bàn tỉnh. Ngay từ những ngày đầu năm đến hết ngày 25/3/2025, tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị; thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân. Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 6 huyện, thành phố; các huyện, thành phố thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo ATTP phục vụ tết và lễ hội xuân 2025 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra lễ hội, các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm… theo phân cấp quản lý.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202501/dam-bao-an-toan-thuc-pham-phuc-vu-tet-va-le-hoi-xuan-26f775f/
Zalo