Đảm bảo an toàn thực phẩm khi vào Hè: cần sự chung tay của cả cộng đồng
Tình trạng ngộ độc thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng báo động khi chỉ trong tháng 4/2025, cả nước đã ghi nhận tới 12 vụ ngộ độc, làm 231 người mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Những con số này cho thấy thực trạng an toàn thực phẩm hiện đang ở mức báo động và cần có những hành động quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng, đặc biệt là trong mùa Hè – thời điểm mà nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường cao nhất.

Cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo “nóng” về nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng, từ tháng 4 đến tháng 8, trong đó có mối lo ngại về thức ăn đường phố. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2025, cả nước xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm làm 231 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. So với tháng 3/2025, số vụ ngộ độc thực phẩm trong tháng 4 này đã tăng 7 vụ và tăng hơn 200 người bị ngộ độc. Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 293 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người tử vong. Sau những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo “nóng” về nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng, từ tháng 4 đến tháng 8, trong đó có mối lo ngại về thức ăn đường phố.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, bảo quản thực phẩm không đúng quy cách, sử dụng phụ gia không an toàn, và chế biến trong điều kiện mất vệ sinh. Đáng lo ngại là nhiều trường hợp ngộ độc đến từ những hàng quán ăn uống vỉa hè, nhất là quanh khu vực trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí – những nơi có lượng tiêu thụ thức ăn đường phố cao nhưng lại khó kiểm soát.
Ngay trước khi bước vào mùa Hè năm nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia, dầu mỡ chiên rán tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học, đặc biệt là đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh…
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành Y tế trực tiếp quản lý hơn 46.000 cơ sở. Với số lượng lớn như vậy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị, các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở, trong đó đẩy mạnh kiểm tra tại những khu vực tập trung nhiều quán hàng vỉa hè, như: cổng trường học, cổng bệnh viện, khu vui chơi, giải trí… và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, trong năm 2025, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng kiểm soát thực phẩm quanh cổng trường học, duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát. Ngoài ra, công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ tự bảo vệ bản thân trước các sản phẩm kém chất lượng. TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông qua báo chí, truyền hình và mạng xã hội, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay tổ chức, mà là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài và quyết liệt để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Trước hết, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tạo tính răn đe. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chế biến, buôn bán thực phẩm, nhất là tại các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện, chợ dân sinh… Bên cạnh đó, chú trọng đến giáo dục và truyền thông, đặc biệt là trong trường học – nơi hình thành ý thức tiêu dùng của thế hệ trẻ. Việc đưa nội dung an toàn thực phẩm vào chương trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng nhận biết thực phẩm sạch là hết sức cần thiết.
Mặt khác, bản thân mỗi người dân cũng cần chủ động nâng cao nhận thức, hình thành thói quen lựa chọn thực phẩm an toàn, biết nói “không” với thực phẩm bẩn dù rẻ tiền hay tiện lợi. Sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ dần tạo nên áp lực buộc người kinh doanh phải thay đổi theo hướng tích cực, đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, bảo vệ sức khỏe cho người dân thay vì chạy theo lợi nhuận.