Đắk Lắk vươn mình mãnh mẽ, bứt phá thành công
Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với 212.915 ha. Với tiềm năng, lợi thế này, tỉnh đang thực hiện lộ trình xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
“Điểm đến của cà phê thế giới” cũng chính là chủ đề của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ chín năm 2025 được tổ chức từ ngày 09/3/2025 - 13/3/2025. Đây là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên được Thủ tướng chính phủ công nhận mang tầm vóc một lễ hội cấp Quốc gia, tổ chức định kỳ hai năm một lần.
Trải nghiệm đặc sắc
Với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này, tỉnh Đắk Lắk tổ chức chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025), mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều này giúp khơi dậy lòng tự hào, khích lệ, động viên tinh thần đồng bào các dân tộc nỗ lực phấn đấu, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Bên cạnh đó, tỉnh mong muốn tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; xây dựng hình ảnh của thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”. Tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, thông qua việc tổ chức Lễ hội, Đắk Lắk sẽ giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động lễ hội, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với mảnh đất Tây Nguyên; giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Đến với Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột những ngày Lễ hội, du khách không chỉ được dự Lễ khai mạc, Lễ bế mạc, mà còn được trải nghiệm Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội cà phê trên môi trường internet; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP; Cuộc thi rang cà phê đặc sản; Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt.
Bên cạnh đó là những lễ hội hấp dẫn như: Lễ hội đường phố; Hội thi Nhà nông đua tài; Lễ hội ánh sáng; Festival các ban nhạc rock; Hội trại cà phê; Uống cà phê miễn phí; Giải đua xe ô tô địa hình quốc tế “Thử thách vượt đại ngàn - Buôn Đôn 2025”; Hành trình du lịch: Hội Voi Buôn Đôn, Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk...
Trong thời gian diễn ra Lễ hội còn có các hành trình du lịch như: “Hành trình cà phê”, “Hành trình di sản”; các tour du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng tại các buôn… Đây chắc chắn là trải nghiệm thú vị với du khách khi ghé thăm mảnh đất này.
6 lĩnh vực được ưu tiên trong thu hút đầu tư
Đắk Lắk là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh và có nhiều thuận lợi trong giao thương kinh tế và văn hóa; nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không thuận lợi, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn. Nhờ đó, địa phương trở thành điểm đến tin cậy để nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lựa chọn làm nơi triển khai thực hiện nhiều dự án quy mô lớn.
Phát huy nội lực, tiềm năng để phát triển, thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mời gọi, thu hút đầu tư theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức. Trong đó, chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; phát triển, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng và giá trị tăng cao như: du lịch sinh thái, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, logistics, giáo dục, y tế, khoa học…; phát triển hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ cho nền kinh tế.
Trong tiến trình thu hút đầu tư đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk đã xác định 36 dự án thuộc 6 lĩnh vực trọng yếu để kêu gọi nhà đầu tư quan tâm và phát triển. Trong đó, có 36 dự án thuộc 6 lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư.
Theo số liệu, nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp (8 dự án, tổng vốn đầu tư: 165 tỷ đồng); công nghiệp - xây dựng (13 dự án, tổng vốn đầu tư: 2.506,3 tỷ đồng); thương mại, dịch vụ, du lịch (8 dự án, tổng vốn đầu tư: 1.102,13 tỷ đồng); thể thao (3 dự án, tổng vốn đầu tư: 521,703 tỷ đồng); môi trường (2 dự án, tổng vốn đầu tư: 398 tỷ đồng); giáo dục và y tế (2 dự án, tổng vốn đầu tư: 18,6 tỷ đồng).
Với những nỗ lực trên, chắc chắn trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ đạt được mục tiêu về thu hút đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Dư địa lớn phát triển nông, thủy sản
Nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp là lĩnh vực được Đắk Lắk chú trọng thu hút đầu tư trong năm tới bởi địa phương này nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, với đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, có thế mạnh để phát triển nông nghiệp.
Về trồng trọt, Đắk Lắk có diện tích cà phê trên 212 ngàn ha, sản lượng trên 550.000 tấn (chiếm 29,04% diện tích cà phê cả nước, lớn nhất cả nước); cao su có diện tích khoảng 32.000ha, sản lượng trên 29.000 tấn; hồ tiêu có diện tích khoảng 28.000ha, sản lượng trên 75.000 tấn (đứng đầu cả nước); Điều có diện tích trên 24.000 ha, sản lượng trên 35.000 tấn.
Với cây ăn quả, tỉnh có diện tích trên 65.000 ha, với các loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đặc biệt là Sầu Riêng (trên 32.000ha, sản lượng 300 ngàn tấn); bơ (trên 5.000ha, sản lượng 66 ngàn tấn, đứng đầu Tây Nguyên); lúa trung bình gieo trồng trên 115.000ha/năm, sản lượng trên 800 ngàn tấn/năm, Đắk Lắk cũng là tỉnh đầu tiên trong nước bán được tín chỉ carbon lúa với giá 20 USD; Ngô khoảng 80.000ha (đứng thứ 2 cả nước), sản lượng trên 510 ngàn tấn...
Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trên 17,5 triệu con, gồm: Trâu trên 28 ngàn con; bò trên 260 ngàn con (đứng thứ 2 vùng Tây Nguyên, thứ 9 cả nước). Đắk Lắk cũng là tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển chăn nuôi bò hướng sữa, tuy nhiên do chưa có dự án xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến sữa bò nên chăn nuôi bò sữa chưa phát triển; đàn lợn trên 1 triệu con (đứng thứ nhất Tây Nguyên và thứ 5 cả nước); đàn gia cầm trên 14,2 triệu con.
Sản lượng thịt hơi các loại trên 305 ngàn tấn/năm, trứng các loại trên 524 triệu quả/năm và trên 230 ngàn đàn ong mật. Dư địa, tiềm năng phát triển chăn nuôi của tỉnh còn rất lớn.
Về thủy sản, tiềm năng phát triển thủy sản của địa phương vô cùng phong phú, với trên 700 hồ chứa và các hệ thống sông, diện tích mặt nước có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản trên 42.000 ha (ao hồ nhỏ, hồ chứa, sông suối, ruộng trũng), trong đó một số vùng có điều kiện nhiệt độ ôn hòa thích hợp phát triển nuôi cá nước lạnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của địa phương. Song song với đó, tỉnh cũng đã ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025; trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè, thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực. Cùng với tiềm năng, lợi thế về những sản phẩm nổi bật, trong năm 2025, Đắk Lắk sẽ bứt tốc, ghi dấu ấn với ngành nông, thủy sản.