Đắk Lắk tăng từ 30 - 50% lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết

Các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, phong phú để trưng bày, thu hút người dân đến tham quan, mua sắm.

Hàng hóa cung ứng thị trường Tết dồi dào, mẫu mã đẹp, đa dạng, giá cả bình ổn. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Hàng hóa cung ứng thị trường Tết dồi dào, mẫu mã đẹp, đa dạng, giá cả bình ổn. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, phong phú để trưng bày, thu hút người dân đến tham quan, mua sắm.

Năm nay, giá cả nhiều mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng… tăng cao, do đó, các cửa hàng, siêu thị, tiểu thương cũng tăng lượng hàng hóa nhập vào để cung ứng thị trường Tết.

Dạo quanh các cửa hàng, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, nhìn chung, các tiểu thương, siêu thị đã trang trí Tết, trưng bày các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân mua sắm tiêu dùng dịp Tết. Người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện lân cận thành phố Buôn Ma Thuột đã bắt đầu đi mua sắm Tết từ khoảng 1 tuần nay, đưa không khí năm mới tới gần hơn với xứ sở cà phê Ban Mê.

Ông L.V.V. cùng vợ từ huyện Cư Kuin lên thành phố Buôn Ma Thuột để tham quan, mua sắm Tết. Ông V. cho biết, gia đình ông có 2,6 ha trồng cà phê, năm nay bị mất mùa, giảm khoảng 50% sản lượng so với năm trước song giá cà phê tăng cao, gia đình vẫn có lãi. Để đón con ở xa về ăn Tết, vợ chồng ông đi tham quan, mua trước những mặt hàng cần thiết, dự định qua Noel mới đi mua sắm đầy đủ để gia đình dùng trong dịp Tết. Ông V. thấy các mặt hàng năm nay đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả ổn định, không tăng so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tại chợ Tân An, một trong những khu chợ lớn của thành phố Buôn Ma Thuột, các tiểu thương đã trưng bày hàng hóa Tết khá sớm so với các năm trước. Chị Đồng Thị Thanh Trúc, tiểu thương bán bánh kẹo cho biết, lượng hàng năm nay chị nhập để phục vụ thị trường Tết tăng 30% so với Tết năm trước. Chị Trúc nhập hàng và bày bán từ đầu tháng 12, hiện chủ yếu phục vụ khách mua số lượng nhỏ để ăn thử. Chị Trúc kỳ vọng, sau Tết dương lịch 2025, lượng khách đến mua đông để tiểu thương có Tết đủ đầy bên gia đình sau một năm buôn bán và trông đợi vào mùa Tết.

Tương tự, chị Hoàng Thị Ngân, tiểu thương bán quần áo tại chợ Tân An cũng đã nhập hàng Tết từ tháng 11 và bày bán từ tháng 12. Chị Ngân cho biết, năm nay, quần áo có nhiều mẫu mã đẹp, thiết kế ưa nhìn, giá bình dân. Nỗi e ngại của chị Ngân là khó cạnh tranh với các cửa hàng thời trang trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Tuy nhiên, chị Ngân vẫn hy vọng vào một lượng khách quen ổn định, quen mua hàng trực tiếp và lượng khách sẽ đến chợ mua sắm Tết.

Tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột, qua phân tích số liệu thị trường và bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024, lượng hàng hóa được các đơn vị nhập vào để phục vụ thị trường Tết trung bình tăng 30 - 50%. Hầu hết, các siêu thị, hệ thống cửa hàng trang trí, trưng bày hàng hóa Tết từ ngày 1/12, sớm 2 tuần so với các năm trước đây. Đồng thời, các siêu thị, hệ thống cửa hàng đã bổ sung nhân lực, kế hoạch vận hành để phục vụ thị trường Tết.

Anh Lê Xuân Hoan, Quản lý một hệ thống cửa hàng lớn chi nhánh ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã trữ lượng hàng hóa tăng 50% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Gần một tuần nay, sức mua tăng dần, khách hàng hiện chủ yếu mua dụng cụ dọn dẹp nhà cửa, quà biếu Tết. Năm nay, hệ thống cửa hàng nhập nhiều sản phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh, đặc sản vùng miền (bò một nắng, thịt trâu gác bếp, giò me Nghệ An…) do yếu tố thuận tiện, nhanh, gọn để các gia đình tiếp khách dịp Tết.

Người tiêu dùng bắt đầu mua sắm Tết, sức mua tăng, đặc biệt trong những ngày cuối tuần. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Người tiêu dùng bắt đầu mua sắm Tết, sức mua tăng, đặc biệt trong những ngày cuối tuần. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN

Bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, các siêu thị, hệ thống cửa hàng còn triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Đồng thời, dự kiến càng cận Tết, nhu cầu mua sắm của nhân dân càng tăng cao, do đó, các siêu thị, hệ thống cửa hàng sẽ tăng giờ phục vụ (mở cửa sớm, đóng cửa muộn hơn ngày thường) trong 2 tuần trước Tết.

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, là siêu thị bán lẻ có quy mô lớn tại địa phương, đơn vị đã thực hiện công tác dự trữ hàng hóa phục vụ Tết từ rất sớm. So với tháng kinh doanh bình thường, lượng hàng hóa tại siêu thị tăng từ 30 - 50% tùy theo từng nhóm hàng. Đặc biệt, lượng hàng Việt tại siêu thị chiếm 90%.

Thời điểm này, người tiêu dùng đã bắt đầu mua sắm Tết, sức mua hàng đang tăng tích cực, nhất là những ngày cuối tuần. Bên cạnh chương trình bình ổn giá cả, đơn vị triển khai các chương trình khuyến mãi liên tục từ ngày 1/12/2024 - 28/1/2025, với hơn 3.500 mặt hàng giảm giá cùng với các chương trình như tặng quà, tặng điểm thưởng, mua hàng với giá siêu ưu đãi…

Để bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, hiện đã có 11 doanh nghiệp lớn chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng tiêu dùng, nhiên liệu với hơn 507 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 36,4% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trường hợp nếu xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng hóa.

Ngoài ra, một lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng và 148 chợ trên địa bàn cũng là một kênh lớn đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết. Nhóm mặt hàng bình ổn gồm: Lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả), nhiên liệu. Thời gian bình ổn từ ngày 15/12/2024 - 28/2/2025.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi cho biết, việc xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được Sở triển khai sớm, do năm nay thời điểm Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau.

Đồng thời, việc chủ động xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường nhằm cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kích cầu tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, tạo sự liên kết để hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng nhanh và hiệu quả hơn.

Sở tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường; động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển mạng lưới bán hàng, đảm bảo đủ và kịp thời cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân mua sắm để vui Xuân đón Tết; khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn.

Hoài Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dak-lak-tang-tu-30-50-luong-hang-hoa-cung-ung-cho-thi-truong-tet/357970.html
Zalo