Đắk Lắk: Cầu xây xong thiếu đường dẫn, dân vẫn đi đò vượt sông

Hằng ngày, người dân xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) và xã Hòa Phong (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) vẫn phải mất tiền qua sông bằng đò do cây cầu vượt sông Krông Bông dù đã hoàn thành cơ bản từ năm 2023 nhưng hiện thiếu đường dẫn...

Cầu xây xong… dân vẫn đi đò

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hằng ngày, dưới cây cầu vừa được đầu tư người dân và phương tiện vẫn phải vượt sông trên chiếc đò cũ kỹ. Quan sát, chiếc đò vận chuyển người, phương tiện qua sông Krông Bông khá đơn sơ, chủ đò cố định đoạn dây cáp hai bên bờ sông (dài khoảng 30m) có gắn ròng rọc. Mỗi lần có người, phương tiện qua sông, chủ đò níu tay vào dây cáp để kéo, di chuyển đò từ bờ này sang bờ kia.

Cầu xây xong chưa thể lưu thông, hằng ngày người dân vẫn vượt sông bằng đò. Ảnh: Ngọc Hùng.

Cầu xây xong chưa thể lưu thông, hằng ngày người dân vẫn vượt sông bằng đò. Ảnh: Ngọc Hùng.

Bà Nguyễn Thị Tám (57 tuổi, ngụ xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) với chiếc xe máy chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc vừa qua đò chia sẻ: "Hằng ngày, tôi mất 20.000 đồng để đi đò cho hai lượt đi và về. Nhiều năm qua, người dân đi đò vừa tốn kém, vừa nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa lũ khi được Nhà nước đầu tư cây cầu vượt sông hiện đại khiến mọi người rất phấn khởi, sẽ thoát cảnh đi đò.

Thế nhưng, cầu làm xong đến nay không thể đi lại được, hằng ngày người dân vẫn chông chênh trên chiếc đò cũ".

"Đi đò nguy hiểm lắm, vừa qua trong lần tôi chạy xe xuống bờ sông để đi đò, không may cả người và xe máy lao xuống sông. Rất may được mọi người kịp thời giúp đỡ nên không ảnh hưởng tính mạng, còn chiếc xe của tôi bị hư hỏng. Đây là con đường huyết mạch, người dân mong mỏi cây cầu sớm được đưa vào hoạt động để người dân đi lại thuận lợi, hàng hóa thông thương", bà Tám mong muốn.

Theo chính quyền địa phương, nhu cầu của người dân lưu thông qua cây cầu này rất lớn. Ảnh: Ngọc Hùng.

Theo chính quyền địa phương, nhu cầu của người dân lưu thông qua cây cầu này rất lớn. Ảnh: Ngọc Hùng.

Ông Nguyễn Đỗ Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: "Nhu cầu của người dân lưu thông qua cây cầu này rất lớn. Đến nay, cầu chưa chưa thể thông xe là do công tác GPMB chưa xong. Tại vị trí trên, còn 9 thửa đất của sáu hộ dân (trong đó có ba căn nhà) nằm trong diện giải tỏa và Trạm kiểm lâm số 2. UBND xã đang phối hợp cùng với các đơn vị liên quan để kiểm đếm, thống kê đất, tài sản trên đất thuộc diện di dời nhằm thực hiện sớm công tác GPMB.

Cũng theo ông Thảo, cầu không thể lưu thông việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nông sản của người dân bên này thường có giá thấp hơn bên Krông Pắk, trong khi đó các loại nhu yếu phẩm, phân bón vận chuyển khó khăn đều có giá đắt đỏ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Nếu cầu hoàn thiện, nhu yếu phẩm được thông thương sẽ rất tiện lợi. Không riêng gì người dân mà chính quyền địa phương cũng mong mỏi cây cầu sớm đưa vào khai thác để người dân đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Chậm nhất 15/8 sẽ bàn giao mặt bằng

Ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, hiện vướng mắc lớn nhất tại dự án cầu vượt sông Krông Bông là Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

UBND huyện Krông Bông đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện làm việc với các bên liên quan nhằm thực hiện theo quy định di dời trụ sở làm việc, xác định tiền bồi thường tài sản, thanh lý tài sản thuộc trạm kiểm lâm số 2 để đầu tư xây dựng địa điểm mới theo quy định. Ngoài ra, xác định kinh phí hỗ trợ thuê trụ sở Trạm kiểm lâm số 2 trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới.

Việc chậm tiến độ thi công gói thầu làm ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng.

Việc chậm tiến độ thi công gói thầu làm ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng.

Theo ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, để xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB cầu vượt sông Krông Bông. UBND huyện giao Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án. Đồng thời, công khai phương án, lấy ý kiến người dân và trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Phối hợp, hướng dẫn Vườn Quốc gia Chư Yang Sin quy trình, thủ tục liên quan đến thanh lý tài sản công (trụ sở làm việc của Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được giao quản lý, sử dụng) đảm bảo đúng quy định.

Sau khi UBND huyện có chủ trương đồng ý, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh để xin ý kiến về việc di dời trụ sở làm việc Trạm kiểm lâm số 2 sang trụ sở làm việc tạm thời do UBND huyện bố trí.

Đồng thời, có văn bản báo cáo, xin chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT, cấp có thẩm quyền xem xét thanh lý tài sản công và thu hồi đất theo quy định để kịp thời bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án. Dự kiến, mọi công việc hoàn thành tốt đến 1/8, chậm nhất đến 15/8 phải bàn giao được mặt bằng.

Khó khăn lớn nhất của dự án là vướng công tác GPMB khiến dự án xin gia hạn đến 31/12/2024. Ảnh: Ngọc Hùng.

Khó khăn lớn nhất của dự án là vướng công tác GPMB khiến dự án xin gia hạn đến 31/12/2024. Ảnh: Ngọc Hùng.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA), tính đến cuối tháng 12/2023, khối lượng đã thi công ước đạt 98% giá trị hợp đồng (giá trị khối lượng đã thi công 35,445/36,345 tỷ đồng).

Nguyên nhân khiến cầu thi công xong nhưng chưa thể hoàn thiện là do mặt bằng thi công chưa được giải phóng xong, phía đầu cầu huyện Krông Pắk vướng 2 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng, phía Krông Bông vướng 6 hộ, 1 Trạm kiểm lâm và có một phần đất công do UBND xã Hòa Phong quản lý.

Ngoài ra, dự án đang vướng về đất đắp công trình, đến nay huyện Krông Bông, Krông Pắk nói chung chưa có mỏ đất để đắp. Đến 15/8, UBND huyện bàn giao mặt bằng thi công, nhưng thiếu đất đắp thì đơn vị thi công cũng khó khăn để tổ chức triển khai.

"Việc chậm tiến độ thi công gói thầu làm ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của nhân dân. Do khó khăn vướng mắc khiến dự án không thể về đích đúng hẹn nên Ban QLDA đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31/12/2024.

Chủ đầu tư sẽ tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng kế hoạch thi công chi tiết theo tiến độ xin điều chỉnh. Thời gian hoàn thành dự án có thể nhanh hơn nếu công tác GPMB bàn giao sớm, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công và các yêu cầu của dự án", đại diện Ban QLDA khẳng định.

Cầu Krông Bông thuộc dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk), do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk. Công trình cầu Krông Bông gồm 6 nhịp 33m, khổ cầu 7,5m, bề rộng cầu 8,5m (không lề bộ hành), tải trọng thiết kế HL93. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dak-lak-cau-xay-xong-thieu-duong-dan-dan-van-di-do-vuot-song-192240712105213852.htm
Zalo