Đắk Lắk cần tháo gỡ điểm nghẽn về tổ chức sản xuất để phát triển cà phê bền vững

Ngày 28/11, Sở NN- PTNN tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị 'Tổng kết đánh giá Nghị quyết 24/2017 của HĐND tỉnh về Phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030'; Tổng kết niên vụ cà phê 2023 – 2024. Tháo gỡ được điểm nghẽn về tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất của các tổ chức, nông hộ, hợp tác xã nhằm đưa ngành cà phê phát triển bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( NN-PTNN) tỉnh Đắk Lắk, niên vụ cà phê 2023-2024, tổng sản lượng cà phê của Đắk Lắk đạt hơn 535.000 tấn, giảm 23.000 tấn so với niên vụ trước. Nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt 915 triệu USD, tăng 168 triệu USD so với niên vụ trước.

Về thực hiện nghị quyết phát triển cà phê bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Trong đó, sản lượng và năng suất tăng 14% so với mục tiêu, 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, 8-9% được biến sâu, đạt 100% mục tiêu. Về kế hoạch tái canh, đến năm 2020 thực hiện được hơn 35.400 hec-ta, vượt 9% so với mục tiêu của Nghị quyết…

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh không thực hiện được mục tiêu giảm diện tích cà phê từ hơn 212.000 hec ta xuống còn 180.000 hec-ta; không đạt được mục tiêu 80% diện tích cà phê được sản xuất có chứng nhận. Với mục tiêu nghị quyết đề ra là phải đảm bảo nước tưới từ các công trình thủy lợi cho 75-80% diện tích nhưng tỉnh mới chỉ đáp ứng được 30%.

Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk

Cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng dù Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong phát triển cà phê bền vững nhưng tính thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất vẫn chưa được giải quyết. Đây là điểm nghẽn cần được tháo gỡ để phát triển ngành hàng này.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nêu vấn đề: “ Rất nhiều việc chúng ta phải làm nhưng tất cả sẽ không thành công nếu chúng ta không giải quyết được điểm nghẽn đó là tổ chức sản xuất, Mặc dù nhà nước chúng ta có hẳn một chương trình phát triển hợp tác xã nhưng nó vẫn là điểm nghẽn. Phải có hợp tác, tổ chức sản xuất và trên các tổ chức sản xuất cho người nông dân đó thì liên kết mới chặt chẽ và bền vững được”.

90% sản lượng cà phê Đắk Lắk được thu hái đạt độ chín góp phần nâng cao chất lượng cà phê

90% sản lượng cà phê Đắk Lắk được thu hái đạt độ chín góp phần nâng cao chất lượng cà phê

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Lắk, cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong niên vụ 2023-2024, Đắk Lắk đã mở rộng, phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Trong niên vụ sắp tới, các địa phương chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, phát triển nhiều hơn nữa các vùng trồng cà phê đặc sản; tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu; đẩy mạnh bảo hộ cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên các thị trường nước ngoài, tuân thủ sản xuất cà phê chống phá rừng của liên minh châu Âu.

Ông Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh sự gắn kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm: “ Đề nghị tập trung tổ chức ngành hàng theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đảm bảo ngành hàng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, tiến tiến phù hợp, phát triển bền vững hiệu quả”.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dak-lak-can-thao-go-diem-nghen-ve-to-chuc-san-xuat-de-phat-trien-ca-phe-ben-vung-post1138645.vov
Zalo