Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn
'Vừa là một nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhân vật lịch sử, một nhà văn hóa lớn'- Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định.
“Người làm nên lịch sử và người viết sử”
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo Khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”.
Tham dự Hội thảo có Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; Tiến sỹ, Đại tá Vũ Tang Bồng, Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự; Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam; Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp;… cùng các đại biểu đại diện các cấp ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các tướng lĩnh quân đội, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và đông đảo đại biểu từ các cơ quan đơn vị doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí tham dự.
Diễn ra trong không khí cả nước kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944) và 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911), hội thảo cũng vinh dự được đón tiếp ông Võ Hồng Nam với tư cách con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là người trực tiếp đọc, biên tập nhiều tham luận.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Theo bà Nguyễn Bích Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước. Đặc biệt, các sự kiện lịch sử trọng đại mang tính bước ngoặt trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong cách mạng tháng Tám và trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đều in đậm dấu ấn của Đại tướng.
“Vừa là một nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhân vật lịch sử, một nhà văn hóa lớn. Ở Đại tướng có cả hai phẩm cách: Người làm nên lịch sử và người viết sử. Cả hai phẩm cách ấy đã góp phần tạo nên những giá trị vô song của những gì gắn với tên tuổi của Đại tướng”, tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định.
Đại tướng mang trong mình chất văn hóa sâu sắc
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, ban tổ chức đã nhận được gần 50 tham luận từ các tướng lĩnh quân đội; các chuyên gia đầu ngành về quân sự, về lịch sử, văn hóa... đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Các tác giả đã dành nhiều công sức, trí tuệ để phân tích, đánh giá làm sáng tỏ các nội dung theo chủ đề hội thảo, gồm 2 phần: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài và Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà văn hóa lớn.
Trong đó có nhiều tham luận quan trọng được phát biểu trực tiếp tại Hội thảo, như: Tham luận với chủ đề “Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quân đội và Nhân dân” của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa nghệ thuật” của Tiến sỹ Phạm Việt Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển; “Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại lòng dân” của Tiến sỹ, Đại tá, Vũ Tang Bồng, Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự;…
Theo Ths Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển: “Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dân ta không chỉ nhớ đến một thiên tài quân sự, một vị tướng với những chiến lược làm thay đổi cục diện lịch sử, mà còn khâm phục một con người mang trong mình chất văn hóa sâu sắc. Ở Đại tướng, võ và văn không tách rời nhau mà hòa quyện, bổ trợ, nâng đỡ lẫn nhau”.
Tại hội thảo, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân đã cho rằng, cần sớm lập bảo tàng xứng đáng với tầm vóc và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Việc thành lập bảo tàng Võ Nguyên Giáp và cùng với đó là một trung tâm nghiên cứu về con người, sự nghiệp, đặc biệt là tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là một “địa chỉ đỏ”, một thiết chế văn hóa và một trung tâm nghiên cứu để lớp lớp con cháu chúng ta và bạn bè quốc tế có thể đến để học tập và nghiên cứu.
“Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giới thiệu những phát hiện mới, làm rõ hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dưới góc nhìn quân sự mà còn ở lĩnh vực văn hóa. Đồng thời thông qua các công trình được công bố giúp bạn đọc, nhất là giới trẻ, có điều kiện tiếp cận, tìm tòi để hiểu thêm về phẩm chất, đạo đức, tính cách, tài năng, công lao và cống hiến của Đại tướng cũng như những tình cảm của Nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế đối với ông”, Ths Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, nhấn mạnh.