Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực, một vị tướng tài trí, mưu lược, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là tấm gương sáng, người con ưu tú của dân tộc.
Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyễn Chí Thanh tham gia cách mạng từ năm 1934 và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937.
Từ năm 1938 - 1945, đồng chí 03 lần bị địch bắt, giam giữ trong các nhà lao nổi tiếng khắc nghiệt ở miền Trung. Song, ngục tù đế quốc không làm lay chuyển tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Đồng chí đã sát cánh cùng các chiến sĩ yêu nước và các nhà cách mạng, thành lập chi bộ nhà lao, tổ chức học tập văn hóa, học tập chính trị, truyền đạt kinh nghiệm hoạt động cách mạng, đấu tranh chống chế độ đàn áp, khủng bố tàn bạo của kẻ thù,... góp phần biến nhà tù thành trường học. Vượt qua ngục tù của đế quốc, trở về với phong trào cách mạng, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước ở quê hương.
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (13 - 15/8/1945), được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Ngày 31/8/1945, Hội nghị đại biểu các tỉnh Trung Bộ tại Huế đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Bộ và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Bộ.
Cuối năm 1946 đến năm 1949, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên Khu ủy khu IV. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường Thừa Thiên; góp phần đưa ra những quyết định táo bạo có ý nghĩa chuyển hướng lãnh đạo, xoay chuyển lại tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng, đưa cuộc kháng chiến ở mặt trận Huế dần khôi phục và mở ra một cục diện mới.
Đầu năm 1950, đồng chí được phân công phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 2/1950. Tháng 7/1950, đồng chí được điều động vào Quân đội, giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Chính ủy. Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại Tuyên Quang, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 7/1951 đến cuối năm 1960, đồng chí được cử làm Giám đốc Trường Chính trị trung cấp Quân đội, nay là Học viện Chính trị. Với tài năng và kinh nghiệm trong chỉ đạo thực tiễn, Đại tướng đã đề xuất nhiều giải pháp giúp đào tạo ra những cán bộ, giảng viên lý luận xuất sắc; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, đặt nền móng cơ sở lý luận, phương hướng, mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo cán bộ chính trị của Học viện sau này.
Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Năm 1961, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hóa mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương.
Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ chuẩn bị trực tiếp đưa quân vào xâm lược nước ta, đồng chí được điều động vào miền Nam công tác, giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam. Đồng chí đã góp phần xác định đúng việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), đưa ra những đánh giá, phân tích khoa học và biện chứng về thực chất sức mạnh của Mỹ, so sánh lực lượng giữa ta và địch, tìm ra những mâu thuẫn, chỗ yếu của đối phương, từ đó khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng được coi như khâu đột phá về tư tưởng cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thể hiện tầm tư duy quân sự của một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng.
Tháng 6/1967, theo yêu cầu của Trung ương, đồng chí ra Hà Nội để báo cáo tình hình, kế hoạch hoạt động của các chiến trường và nhận thêm chỉ thị mới. Ngày 06/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, đồng chí đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng.
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí quan niệm “đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cái cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng”. Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 - 01/01/2024), là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Qua đó tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.