Hồi sinh miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La được biết đến là miền cổ tích được dựng xây từ nguồn sức mạnh nội sinh và những công trình '0 đồng' đặc biệt... Cơn bão số 3 đã cuốn trôi, vùi lấp không ít thành quả, nhưng chính sức mạnh đặc biệt ấy đã và đang chữa lành những 'vết thương' do thiên tai.

Một người hiến đất, nhiều người góp của, cả bản đồng lòng, chung tay... nhờ vậy mà những con đường đã được dựng xây; nhiều công trình đặc biệt đã được tạo nên trên miền cổ tích Ngọc Chiến. Và chính sức mạnh lòng dân ấy cũng đã góp phần nối lại những tuyến đường đứt gãy, những cây cầu bị cuốn trôi, vùi lấp sau mưa lũ.

Sau khi cây cầu treo bị lũ cuốn, bà con bản Đông Xuông từng phải bắc cầu tạm qua suối.

Sau khi cây cầu treo bị lũ cuốn, bà con bản Đông Xuông từng phải bắc cầu tạm qua suối.

Anh Lò Văn Lôn, Bí thư chi bộ, trưởng bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến chia sẻ: Trong đợt mưa lũ vừa rồi bản tôi bị thiệt hại nặng về tài sản và các công trình, nhất là cầu treo dân sinh của bà con bị cuốn trôi. Các nhà hảo tâm hỗ trợ 110 triệu, chúng tôi tổ chức họp dân, dự kiến phải hơn 300 triệu để hoàn thành cây cầu, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, bà con, nhân dân cũng thấu hiểu và đồng thuận, bỏ sức bỏ công, người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, đóng góp được hơn 200 triệu đồng để xây dựng lại cây cầu này.

Chiếc cầu treo được làm mới sau mưa lũ.

Chiếc cầu treo được làm mới sau mưa lũ.

Từ cán bộ xã, bản, đến bà con nhân dân, ngày ngày đều có mặt trên những công trình, mỗi người một việc, trực tiếp thi công, ai cũng muốn góp sức để bản làng sớm vượt qua khó khăn.

Chị Quàng Thị Xiên, người dân bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến nói: Mưa lũ làm hư hỏng cầu, đường trong bản khiến việc đi lại rất khó khăn. Gia đình tôi cũng góp 2 triệu đồng và cùng bà con trong bản sửa chữa, nâng cấp đường. Giờ có con đường đẹp hơn cả trước khi bị lũ, chúng tôi vui lắm.

Người dân Ngọc Chiến góp công, góp của sửa chữa, nâng cấp đường.

Người dân Ngọc Chiến góp công, góp của sửa chữa, nâng cấp đường.

Những mất mát, thiệt hại về nhà cửa, tài sản của các gia đình không may bị lũ cuốn cũng dần được bù đắp. Các gia đình đặc biệt khó khăn đã ổn định chỗ ở, được hỗ trợ từ tấm lợp mái đến những vật dụng thiết yếu và kinh phí để trang trải cuộc sống...

Chị Thào Thị Cú, ở bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến nói: Nhà tôi hoàn cảnh khó khăn, bị mưa bão gây ảnh hưởng. Có nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ, đây là món quà lớn với gia đình, giúp gia đình có mái nhà che nắng, che mưa trong thời gian tới.

Hơn 1.000 tấn xi măng được các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm hỗ trợ Ngọc Chiến làm đường giao thông nông thôn...

Hơn 1.000 tấn xi măng được các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm hỗ trợ Ngọc Chiến làm đường giao thông nông thôn...

Bão số 3 xảy ra vào đầu tháng 9/2024 đã gây thiệt hại nặng nề tại xã Ngọc Chiến, với 1 người mất tích, hàng chục nhà ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị ngập úng, đất đá vùi lấp, cùng nhiều tuyến đường giao thông, cầu dân sinh bị hư hỏng, cuốn trôi.

Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, từ những chủ trương đặc biệt và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xã, những “vết thương” do thiên tai trên miền quê cổ tích ấy đã dần được chữa lành. Tháng 10/2024, sau khi cơ bản ổn định bước đầu cuộc sống cho bà con với phương châm “4 tại chỗ”, xã Ngọc Chiến đã ra quân, khởi động 21 công trình khắc phục hậu quả cơn bão.

VOV Tây Bắc và Hiệp hội tấm lợp Việt Nam hỗ trợ tấm lợp mái giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai

VOV Tây Bắc và Hiệp hội tấm lợp Việt Nam hỗ trợ tấm lợp mái giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai

Ông Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La thông tin: Chúng tôi xác định ngay từ ban đầu nguồn lực quan trọng nhất là sự góp sức của người dân để ủng hộ cũng như xây dựng, tái thiết lại những công trình phục vụ lợi ích của người dân. Và đặc biệt là sự chung tay của cả nước hướng về Ngọc Chiến, trong thời gian qua chúng tôi đón nhận được rất nhiều tình cảm, sự chia sẻ cả về kinh phí, cơ sở vật chất từ các nguồn lực của các cấp, nhân dân trong mọi miền Tổ quốc.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Ngọc Chiến quyết tâm xây miền cổ tích đẹp hơn trước khi cơn bão đi qua.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Ngọc Chiến quyết tâm xây miền cổ tích đẹp hơn trước khi cơn bão đi qua.

Theo lãnh đạo xã Ngọc Chiến, đến nay, địa phương đã kêu gọi xã hội hóa và được hỗ trợ trên 1.000 tấn xi măng, hơn 1.000 xuất quà là nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu, cùng nguồn lực xây dựng 10 chiếc cầu treo và cầu tràn... tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng.

Những chiếc guồng nước - bản giao hưởng thiên nhiên ở miền cổ tích Ngọc Chiến đã sẵn sàng đón du khách trở lại, ghé thăm.

Những chiếc guồng nước - bản giao hưởng thiên nhiên ở miền cổ tích Ngọc Chiến đã sẵn sàng đón du khách trở lại, ghé thăm.

Những chiếc guồng nước lại tiếp tục quay đều trên dòng suối Chiến hiền hòa; hoa lại khoe sắc bên những bức tường đá cuội độc đáo; những mầm xanh sẽ nảy nở nơi cánh đồng từng bị lũ cuốn trôi... Tất cả như minh chứng cho sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ và nhân dân Ngọc Chiến, rằng: sau khi khắc phục hậu quả, sẽ xây miền cổ tích đẹp hơn trước khi cơn bão đi qua.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoi-sinh-mien-co-tich-cua-nui-rung-tay-bac-post1145663.vov
Zalo