Đại Từ sẵn sàng cho sản xuất vụ xuân

Đối với người nông dân nói chung, ở huyện Đại Từ nói riêng, thu nhập chính trông vào đồng ruộng nên khi gần kết thúc vụ đông, bà con lại khẩn trương làm đất, mua giống chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, với phương châm 'không cho đất nghỉ' và ước vọng 'mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu'. Năm 2025, huyện Đại Từ phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4% trở lên so với năm trước. Trong đó, vụ xuân có đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất cả năm.

Nông dân xã An Khánh (Đại Từ) khẩn trương làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa xuân.

Nông dân xã An Khánh (Đại Từ) khẩn trương làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa xuân.

Những ngày này, nông dân các xã, thị trấn ở huyện Đại Từ vừa tất bật chuẩn bị cho gia đình có một cái Tết đầm ấm vừa chăm lo việc đồng áng. Bà con tranh thủ thu hoạch nốt các loại rau màu vụ đông và khẩn trương làm đất gieo trồng vụ xuân.

Bà Ma Thị Công, ở xóm Phúc Tiến, xã Phúc Lương, cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 sào cà chua, khoai tây vụ đông, về cơ bản đã được thu hoạch xong, số còn lại để dành bán trong dịp Tết, có thể sẽ được giá cao hơn ngày thường. Sau khi thu hoạch cây màu vụ đông, gia đình khẩn trương làm đất gieo cấy lúa xuân cho kịp khung thời vụ. Nhà nông chúng tôi là thế, vụ nối vụ, “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”…

Còn gia đình anh Trần Đình Minh, ở xóm Ngọc Linh, xã Phục Linh, có 5 sào ruộng, chuyên canh gieo cấy lúa theo tiêu chuẩn VietGAP bằng giống Thái Bình. Anh Minh cho biết: Mình là nông dân, thu nhập chính chỉ trông vào đồng ruộng, muốn nâng cao giá trị sản phẩm thì không có cách nào khác là phải đưa các giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và sản xuất theo quy trình “sạch”, từ đó nâng cao giá bán nông sản.

Vụ xuân năm nay, huyện Đại Từ có kế hoạch gieo cấy gần 5.500ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân đạt 58,9tạ/ha, sản lượng đạt trên 32.000 tấn; gieo trồng 4.490ha rau màu các loại; trồng mới, trồng thay thế 100ha chè…

Để vụ xuân giành thắng lợi, các yếu tố về “nước, phân, cần, giống” đều được các phòng chuyên môn cùng các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo, điều hành, điều tiết đầy đủ, kịp thời để phục vụ bà con nông dân sản xuất vụ xuân đúng khung thời vụ.

Theo dự tính, trong vụ xuân, toàn huyện có thể chủ động được nước tưới cho trên 60% diện tích canh tác nông nghiệp, còn lại phụ thuộc vào nước trời. Để bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân, cùng với việc tăng cường tích trữ nước tại các công trình thủy lợi đầu mối, như: hồ Phượng Hoàng (xã Cù Vân); hồ Cầu Trà (xã Yên Lãng), hồ Đồng Tiến (xã Phú Lạc), hồ Cây Sấu (xã Phú Thịnh), các trạm bơm trên địa bàn huyện cũng được kiểm tra, bảo dưỡng để bảo đảm bơm nước tưới cho đồng ruộng.

Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân dân tiến hành nạo vét kênh mương nội đồng, vai đập tích trữ nước. Đối với những chân ruộng ở xa nguồn nước tưới, không có khả năng cấy lúa, các địa phương khuyến cáo bà con nông dân chuyển đổi sang trồng các loại rau màu.

Nhờ có hệ thống tưới tiêu tốt nên xóm Ngọc Linh (xã Phục Linh, Đại Từ) không lo thiếu nước cho sản xuất vụ xuân, năng suất lúa luôn đạt cao nhất xã (trên 60 tạ/ha).

Nhờ có hệ thống tưới tiêu tốt nên xóm Ngọc Linh (xã Phục Linh, Đại Từ) không lo thiếu nước cho sản xuất vụ xuân, năng suất lúa luôn đạt cao nhất xã (trên 60 tạ/ha).

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Các phòng, đơn vị chuyên môn cùng các xã, thị trấn của huyện đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và khuyến cáo, vận động bà con nông dân tăng cường sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, lúa đặc sản, cho năng suất ổn định, có khả năng thích ứng rộng (dự kiến sẽ chiếm trên 50% trong tổng diện tích gieo cấy lúa xuân của toàn huyện).

Huyện cũng tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa thâm canh theo hướng cánh đồng một giống, sản xuất tập trung và sản xuất theo hướng hàng hóa tại các xã có diện tích ruộng lớn (như Khôi Kỳ, Yên Lãng, Phú Xuyên, Bản Ngoại, Văn Yên, Vạn Phú, Phục Linh, Cù Vân, An Khánh…) để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

Ngoài ra, huyện Đại Từ còn tuyên truyền, vận động các hộ sử dụng triệt để nguồn rơm, rạ, vỏ chấu, phụ phẩm cây trồng để xử lý bằng chế phẩm sinh học, tạo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, sau đó chất thải từ chăn nuôi lại được ủ hoai mục để làm phân hữu cơ, thúc đẩy mô hình sản xuất theo chu trình tuần hoàn an toàn, hữu cơ. Đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại IPHM, IPM, ICM…

Hiện nay, huyện Đại Từ chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn khẩn trương tổ chức tập huấn quy trình gieo cấy lúa xuân cho người dân; tổ chức cho bà con đăng ký lượng giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất, đặc biệt là các giống lúa lai.

Để bảo đảm cây lúa đạt năng suất, sản lượng cao, huyện khuyến cáo bà con nông dân gieo mạ đúng khung thời vụ, 100% diện tích mạ được che phủ nilon chống rét. Thời vụ gieo cấy lúa xuân của huyện bắt đầu từ ngày 10-1 đến cuối tháng 2.

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/dai-tu-san-sang-cho-san-xuat-vu-xuan-d131653/
Zalo