Đại thắng mùa xuân 1975 - Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng hòa bình
Đại thắng mùa xuân 1975 và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 'mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc'[1]. Thắng lợi vĩ đại đó là minh chứng hùng hồn về sự toàn thắng của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của trí tuệ con người, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Dinh Độc Lập - Chứng nhân lịch sử. Ảnh: P.V
Đại thắng mùa xuân 1975, thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại
Trong Di chúc thiêng liêng (1969) để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Tư tưởng đó của Người và truyền thống đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong những năm đánh Mỹ. Truyền thống “Vua tôi đồng lòng anh em hòa thuận, cả nước chung sức” của đời nhà Trần và các đời vua sáng suốt, tiến bộ trong lịch sử dân tộc được nhân lên gấp bội, với chất lượng cao từ những giai đoạn trước nay lại được nhân lên tầm cao mới trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975; đoàn kết toàn dân dựa trên cơ sở đoàn kết toàn Đảng; đoàn kết toàn Đảng lấy đoàn kết của cơ quan lãnh đạo làm hạt nhân.
Một trong những nội dung cơ bản của đường lối và nghệ thuật tổ chức của cuộc kháng chiến chống Mỹ là xây dựng khối đoàn kết toàn dân theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Hồ Chí Minh được Đảng vận dụng vào điều kiện lịch sử mới. Xây dựng đoàn kết thống nhất toàn dân là xây dựng khối liên minh công - nông làm nền tảng cho mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nên đã động viên và tập hợp được một cách vững chắc và rộng rãi nhất mọi sức mạnh của cả dân tộc vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Khối đại đoàn kết dân tộc thống nhất chống xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước ngày càng lớn mạnh. Với tinh thần đại đoàn kết, Đảng đã xây dựng, tổ chức lực lượng cách mạng, lực lượng tiến hành chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc, càng đánh càng mạnh. 31 triệu đồng bào cả nước là 31 triệu chiến sĩ diệt Mỹ - Ngụy. Nhân dân miền Bắc đoàn kết trong MTTQ Việt Nam vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, vừa chi viện sức người sức của cho cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đoàn kết tất cả các tầng lớp Nhân dân, các giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, tiến tới thống nhất nước nhà. Đúng như Đảng ta khẳng định: Ðại thắng mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam với “lòng yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng tuyệt vời của đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên thuộc tất cả các dân tộc anh em từ Nam đến Bắc đã đoàn kết chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc”[2].
Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi đó - đánh dấu sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: tư liệu
Cách mạng nước ta đã tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em; phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình, dân chủ của nhân loại tiến bộ. Nhờ đó, đã hình thành phong trào phản chiến lan rộng ở nước Mỹ và các nước trên thế giới. Đó còn là thắng lợi của Liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương, bắt nguồn từ sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và những người lãnh đạo kháng chiến ở Campuchia.
Đại thắng mùa xuân 1975 là biểu tượng khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam
Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, Nhân dân ta luôn phải đương đầu với thiên tai, địch họa, nên hơn ai hết, dân tộc ta thấu hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954 chúng ta đã muốn tránh xảy ra xung đột, chiến tranh và đổ máu bằng mọi giá, với khát vọng hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không còn con đường nào khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954), hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Theo điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) sau 2 năm Nhân dân hai miền Nam - Bắc sẽ hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Chúng dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam phá hoại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nắm quyền thống trị miền Nam; tập trung đánh phá cơ sở cách mạng, khủng bố Nhân dân. Trước hành động phá hoại hòa bình và gây chiến của đế quốc Mỹ và tay sai, Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) mở rộng, chỉ rõ: “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[3].
Chính khát vọng hòa bình mãnh liệt đã tạo nên khí phách, bản lĩnh, trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta và trước thế giới về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, cứu nước; khơi dậy khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của mỗi người dân Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Tổng thống và Chính phủ Mỹ, nêu rõ đường lối đối ngoại hòa bình của ta, nhấn mạnh 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Trong Thư gửi Tổng thống Giôn-xơn (2/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố dứt khoát lập trường hòa bình: “Chính phủ Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược”. Vì thế, Đại thắng mùa xuân 1975 là thắng lợi của văn minh trước bạo tàn; thắng lợi của chính nghĩa trước phi nghĩa, của hòa bình trước chiến tranh. Đó là “thắng lợi của chúng ta, là thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình trên thế giới đã ủng hộ Nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược”[4].
Chiến công thắng Mỹ là thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Tổ quốc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội.
50 năm đã qua kể từ ngày kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến, đất nước ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Thời gian càng lùi xa, càng làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc thêm về tầm vóc vĩ đại và nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó càng làm sáng ngời sức mạnh của tính chính nghĩa, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; của trí tuệ con người Việt Nam; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, với chân lý: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
PGS, TS Đỗ Xuân Tuất
Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh
và các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2004, tr.471.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2004, tr.981.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.81.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2004, tr.983.