Đại thắng mùa Xuân 1975 qua ký ức các vị tướng

Hội thảo khoa học cấp quốc gia có chủ đề Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng vừa tổ chức thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại tướng Phạm Văn Trà (thứ 3 từ trái qua) cùng các tướng lĩnh quân đội trong Hội thảo khoa học cấp quốc gia Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.. Ảnh: N.Hà

Đại tướng Phạm Văn Trà (thứ 3 từ trái qua) cùng các tướng lĩnh quân đội trong Hội thảo khoa học cấp quốc gia Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.. Ảnh: N.Hà

Nhiều nhân chứng lịch sử trực tiếp bước ra từ cuộc chiến, trong đó có những tướng lĩnh đã vào sinh ra tử, kể lại những câu chuyện xúc động của 50 năm về trước.

Binh vận, địch vận tốt, địch sớm ra hàng

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có sự kết hợp sức mạnh của 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; trong đó quân sự là yếu tố quyết định, kết hợp chặt chẽ chính trị, công tác binh vận, địch vận nên địch sớm ra hàng.

Đại tướng Phạm Văn Trà cho rằng, thực hiện lời chúc Tết thiêng liêng của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, trước tình hình đế quốc Mỹ chuẩn bị rút quân, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập 4 quân đoàn: 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Chủ trương của mình là trong điều kiện nào cũng phải giải phóng cho được miền Nam” - đại tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh.

Đại tướng Phạm Văn Trà nhìn nhận, cùng với yếu tố quân sự là then chốt, quyết định, công tác dân vận, địch vận có nhiều điểm sáng tạo, làm cho kẻ thù nhanh chóng tan rã. Nhờ vậy, chúng ta giải phóng miền Nam và giải phóng Sài Gòn còn nguyên vẹn, không bị tàn phá lớn. Đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén của Đảng ta trong việc chớp thời cơ, quyết tâm cao độ, thần tốc, quyết thắng giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa (tức là trước tháng 5-1975).

Trong đôi mắt của những người lính già, giây phút nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất là niềm hạnh phúc ngập tràn khó nói thành lời. Mỗi dịp tháng 4 về, những người lính năm xưa luôn nhớ lại mong muốn của Bác Hồ: nhanh chóng giải phóng miền Nam để Bắc, Nam sum họp một nhà, để Bác vào thăm đồng bào miền Nam - thành đồng Tổ quốc…

Má Sáu Ngẫu góp công lớn

50 năm đã qua nhưng với thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, câu chuyện và ký ức về tấm bản đồ viết tay của má Sáu Ngẫu (tên thật là Huỳnh Thị Sáu) mà ông gặp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn còn đọng lại nhiều ấn tượng và sự xúc động.

Ông kể, thời điểm 50 năm trước, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (cũ), tức Binh đoàn Quyết Thắng. Thời điểm đó là mùa khô, đơn vị ông hành quân suốt ngày đêm, bộ đội chỉ ăn lương khô, gạo rang và thịt hộp, chỗ nào có suối thì dừng lại nấu cơm. Khi đến đèo Ang Bun, Trung đoàn 27 nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.

“Đêm 29-4, Trung đoàn 27 cách Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương ngày nay) khoảng 10km. Đường 13 tối mịt mù, chỉ có một căn nhà lá đơn sơ với ánh đèn leo lét. Lúc đó, tôi nghĩ đây có thể là cơ sở của ta nên cùng tổ trinh sát băng qua nghĩa địa, bìa rừng, cho trinh sát hô “Hồ Chí Minh” 3 lần. Lát sau, có một bà má ra mở cửa, đáp lại: “Muôn năm”. “Đúng là cơ sở của cách mạng” - thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại.

Đây chính là căn nhà của bà Sáu Ngẫu. Vào nhà, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói: “Thưa má, con là chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày mai, đơn vị chúng con có nhiệm vụ đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và tiến công vào Bộ Tư lệnh thiết giáp của địch. Nếu má có thông tin gì, xin má giúp”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đưa bản đồ, “bà má miền Nam” nhìn bản đồ chỉ huy rồi nói: “Má không cần bản đồ này”. Rồi má vào buồng, mang ra một tấm bản đồ viết tay với nét chữ rất đẹp, ghi kỹ từng chi tiết.

Theo bản đồ của má, cách nơi đóng quân khoảng 5km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2 ngàn hạ sĩ quan và một đại tá chỉ huy. Khi đó, má dặn tướng Hiệu: “Ngày mai tiến công, các con không cần đánh, họ sẽ hàng nhưng phải chiếm thật nhanh Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình. Nếu không chiếm được cầu thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.

Thượng tướng Hiệu hỏi còn con đường nào khác hay không thì má Sáu Ngẫu nói: “Có đường sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng các con không đi được. Sáng mai, má và 2 con của má sẽ ngồi lên xe tăng để dẫn đường cho các con tiến công vào Gò Vấp”.

“Tôi từ chối vì má đã già, các em còn nhỏ. Đúng 4h30 sáng 30-4-1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tiến công bằng cơ giới. Một tiểu đoàn đã luồn sẵn vào Lái Thiêu, phát hiện xe tăng địch, bắn cháy 3 chiếc, bắt sống một pháo tự hành M107 được mệnh danh “vua chiến trường”. Sau đó, tiếp tục đuổi, đánh vào cầu Vĩnh Bình - tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, trước khi vào Sài Gòn. Địch kháng cự quyết liệt, Trung đoàn 27 phải dùng toàn bộ hỏa lực để chế áp, mở đường cho lực lượng cơ giới chiếm cầu” - thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động kể lại.

Nhớ lại lời căn dặn của má Sáu Ngẫu: “Cầu này có dây thép gai chằng chịt, có thùng phuy đựng cát chắn đường. Các con phải đánh nhanh”, Trung đoàn 27 đã làm đúng như vậy và thuận lợi tiến vào Sài Gòn, chiếm được Bộ Tư lệnh thiết giáp của địch tại quận Gò Vấp, tiếp quản 13 căn cứ lục quân và công sở.

Ngay hôm sau, tướng Hiệu cùng đồng đội đã tổ chức về thăm và cảm ơn má Sáu Ngẫu cùng đồng bào. Nhân dân Lái Thiêu đứng dọc hai bên đường, vẫy cờ hoa, tung hô và tặng rất nhiều sầu riêng, măng cụt, chôm chôm cho đoàn…

Trở về từ cõi chết

Với thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4 (cũ) - Binh đoàn Cửu Long, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại nằm ở tình nghĩa đồng chí, đồng đội.

Ông bảo: “Tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ ơn nghĩa và đôi dép mà đồng đội nhường cho để “sang thế giới bên kia có cái mà đi”.

Kể về sự kiện này, ông cho hay, ký ức mà ông không quên chính là trận chiến đấu ác liệt đánh đại đội biệt kích địch ở đường 10, khu vực Vĩnh Thiện, gần Bù Đăng (tỉnh Bình Phước ngày nay). Ông chạm trán với toán biệt kích ngụy và bị thương rất nặng. Do thấy ông không có biểu hiện của sự sống nên mọi người quyết định đưa về nghĩa trang của đơn vị.

“Đêm đó, đồng chí Vũ Văn Phẫu (quê tỉnh Hải Dương) được giao nhiệm vụ trông nom “xác” tôi. Khuya đến, đơn vị cử thêm 2 đồng chí Bế Ích Quân và Đinh Văn Lĩnh tiến hành việc chôn cất. Trong khi chờ lấp đất, cấp dưới của tôi là đồng chí Tiểu đội phó Bế Ích Quân sực nhớ khi ôm tôi vào lòng, chân tôi không có dép nên đồng chí Quân tháo dép của mình rồi nhảy xuống huyệt nhường cho tôi để “xuống âm phủ có dép mà đi”. Ở phía đầu, các đồng chí Phẫu và Lĩnh vẫn uể oải xúc từng xẻng đất lấp xuống. Khi nắm bàn chân tôi, đồng chí Quân hét lên: “Ngừng tay, chân anh ấy còn ấm” và nhờ đó mà tôi còn sống đến ngày nay” - thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/dai-thang-mua-xuan-1975-qua-ky-uc-cac-vi-tuong-0c54960/
Zalo