Đại sứ Philippines: Sức hút của Diễn đàn Tương lai ASEAN có được nhờ cam kết hợp tác bền bỉ của Việt Nam

Chia sẻ với TG&VN trước thềm Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre khẳng định, 'tiếng tăm' của Diễn đàn đang được củng cố, Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn hấp dẫn kênh 1.5, tạo khuôn khổ cho đối thoại mang tính xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đi đầu, tạo nền tảng đối thoại

Diễn đàn Tương lai ASEAN năm thứ hai hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn để thảo luận về những vấn đề cấp thiết mà ASEAN và các đối tác đang đối mặt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển với tốc độ nhanh chóng nhờ sự ra đời của các công nghệ hiện đại, ASEAN vừa phải tận dụng cơ hội, vừa ứng phó với những thách thức mới.

Việc đưa các chủ đề như trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa, ứng dụng của chúng trong bối cảnh ASEAN, cũng như cách bảo đảm sử dụng có trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên vào chương trình nghị sự của Diễn đàn là một sáng kiến đáng hoan nghênh.

 Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre. (Ảnh: PH)

Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre. (Ảnh: PH)

Quan trọng không kém, ngoài các chủ đề thảo luận được lựa chọn cẩn thận, sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao, chuyên gia và học giả khu vực, quốc tế giúp Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 trở thành một nền tảng đầy hứa hẹn cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Tôi mong đợi những chia sẻ sâu sắc từ các đại biểu trong các phiên họp toàn thể, cách tiếp cận sáng tạo trước các vấn đề để không chỉ củng cố sự thống nhất của ASEAN mà còn lan tỏa tiếng nói của khối tại các diễn đàn quốc tế.

“Tiếng tăm” của Diễn đàn đang được củng cố, tôi chắc chắn nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn hấp dẫn kênh 1.5. Diễn đàn ngày càng có sức hút là nhờ cam kết bền bỉ của Việt Nam trong việc vun đắp mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên, các đối tác, chuyên gia khu vực và quốc tế. Thêm nữa, Diễn đàn cũng nhận được sự ủng hộ từ các đối tác đối thoại, đối tác phát triển và theo ngành của ASEAN để trở thành một điểm đến hấp dẫn, một diễn đàn hiệu quả.

Việt Nam đã có nhiều dấu ấn trong hành trình 30 năm tham gia ASEAN. Thêm nữa, vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho đối thoại trong khu vực thực sự rất ấn tượng. Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thể hiện rõ điều đó.

Tôi cho rằng, để bảo đảm một quỹ đạo phát triển vững chắc, việc cân bằng hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn là yếu tố then chốt. Đồng thời, việc đánh giá bối cảnh khu vực từ nhiều góc độ sẽ giúp định hướng phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Tôi chúc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thành công tốt đẹp và hy vọng rằng các cuộc thảo luận tại đây sẽ góp phần định hình cách chúng ta nhìn nhận và hành động vì tương lai khu vực.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27 tại Lào ngày 10/10/2024. (Nguồn: TTXVN)

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27 tại Lào ngày 10/10/2024. (Nguồn: TTXVN)

Phương cách điển hình của ASEAN

Bất chấp không ít trở ngại và thách thức, nền kinh tế ASEAN vẫn tiếp tục tăng trưởng và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ. Động lực hội nhập bền bỉ là yếu tố quan trọng để duy trì vai trò của ASEAN trong cộng đồng quốc tế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là minh chứng rõ ràng về hội nhập và mong muốn phát triển toàn diện khu vực của khối.

Với quy mô thị trường khoảng 2,3 nghìn tỷ USD, ASEAN được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030. Năm 2025 là năm quan trọng đối với nền kinh tế của ASEAN vì là năm tất cả các quốc gia thành viên đều mong đợi hiện thực hóa Kế hoạch tổng thể AEC 2025.

"Các quốc gia thành viên tiếp tục cùng nhau duy trì nguyên tắc cốt lõi về vai trò trung tâm của ASEAN trong các quyết sách nội bộ và đối ngoại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".

Các quốc gia thành viên tiếp tục cùng nhau duy trì nguyên tắc cốt lõi về vai trò trung tâm của ASEAN trong các quyết sách nội bộ và đối ngoại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tất cả các quốc gia thành viên đều có mạng lưới quan hệ song phương và đa phương mạnh mẽ, cùng nhau ra quyết định thông qua tham vấn và không can thiệp vào công việc nội bộ - một phương cách điển hình của ASEAN.

Như vậy, ASEAN có thể tận dụng vị thế của mình không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu để thúc đẩy hợp tác và cân bằng lợi ích giữa muôn vàn thách thức do số hóa, biến đổi khí hậu và biến động địa chính trị gây ra.

Đồng thuận, cùng thấu hiểu là điều cần thiết

Biển Đông vẫn là vấn đề quan trọng trong khu vực. Trong nỗ lực hài hòa các lập trường dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Dựa trên tiến trình này và hướng tới các giải pháp bền vững hơn, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục nỗ lực hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, thực hiện đầy đủ DOC thông qua các cuộc đàm phán và đối thoại thường xuyên.

Mặc dù vẫn còn những khác biệt trong lĩnh vực hàng hải, các quốc gia thành viên ASEAN đều nhận thức rõ tiềm năng to lớn của Biển Đông và khẳng định rằng chỉ có thể giải quyết các vấn đề liên quan thông qua hợp tác, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên. Tháng 12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về việc duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.

Trong tuyên bố, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN công nhận Biển Đông là vùng “biển hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng”, nêu chính xác nguyện vọng của nhân dân ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tin tưởng lẫn nhau, nỗ lực tự kiềm chế của tất cả các bên liên quan.

Sự đồng thuận quan trọng này là điều cần thiết để duy trì hòa bình và trật tự trên biển, làm giảm đáng kể khả năng leo thang căng thẳng ở các khu vực quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới ngày càng kết nối, ngay cả những gián đoạn nhỏ ở một khu vực cũng có thể ảnh hưởng đến toàn cầu. Vì vậy, sự thống nhất trong nhận thức và hành động đối với các vấn đề quan trọng là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-philippines-suc-hut-cua-dien-dan-tuong-lai-asean-co-duoc-nho-cam-ket-hop-tac-ben-bi-cua-viet-nam-304891.html
Zalo