Ngày mới ở bản Poọng

Sau 7 năm, bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) - vùng đất của những tổn thương, mất mát giờ đã thay da, đổi thịt. Cuộc sống người dân ổn định, no ấm. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con đồng lòng nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bản Poọng hôm nay khang trang, sạch đẹp.

Bản Poọng hôm nay khang trang, sạch đẹp.

Bão ma túy chưa qua, lũ thiên nhiên ập đến

Khói bếp lan tỏa bảng lảng mái nhà sàn, mùi nếp xôi vừa chín tới ùa về theo gió xuân khi chúng tôi đặt chân tới bản Poọng. Bên những con đường bê tông sạch đẹp, mạ đã bén rễ trên những thửa ruộng, trải một màu xanh tít tắp đến tận chân đồi... Diện mạo mới đầy sức sống đang hiện hữu nơi đây.

Lần đầu tôi đến bản Poọng là cách đây 7 năm, sau trận lũ quét lịch sử năm 2018. Trận lũ khiến 55/89 hộ dân mất nhà cửa; nhiều tài sản, hoa màu bị cuốn trôi... Khi ấy, con đường vào bản ngổn ngang đất đá; dòng suối rộng hoác, trơ sỏi đá. Những lán trại được dựng tạm bợ ven đường để cho hàng chục hộ dân bị mất nhà cửa ở. Lo lắng, sợ hãi hằn lên những gương mặt khắc khổ, hắt ra từ những tiếng thở dài...

Sau trận lũ, phương án xây nhà tái định cư cho bà con bản Poọng được nghiên cứu, thảo luận. Rồi chưa đầy hai tháng sau, trên ngọn đồi cách bản cũ không xa, những xe lu, máy ủi, máy khoan bắt đầu phá đá mở đường, san đồi bạt núi, hối hả xây dựng nơi ở mới cho bà con. Cuối năm 2019, khu tái định cư bản Poọng hoàn thành. 92 căn nhà kiên cố nằm sát nhau thành những dãy dài, cùng với đó là các công trình trường học mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang. “Sau trận lũ quét năm đó, bản quay về vạch xuất phát, không nhà cửa, màn trời chiếu đất, miếng ăn hàng ngày cũng chỉ chờ gạo cứu trợ. Dân vốn đã nghèo nay lại càng nghèo. Song, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ nhà ở, xây dựng khu tái định cư mới cho các hộ dân, từ đó các hộ được an cư lạc nghiệp”, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Poọng Vi Văn Thuật, vui mừng cho biết.

Bản Poọng hôm nay khang trang, sạch đẹp.

Bản Poọng hôm nay khang trang, sạch đẹp.

Có lẽ nhiều người chưa biết, không phải đến khi trận lũ dữ xảy ra bản Poọng mới đói nghèo, thiếu thốn mà nơi đây vẫn âm ỉ nỗi đau HIV/AIDS từ nhiều năm trước. Khoảng năm 2010 trở về trước, “cơn bão” ma túy từ bên kia sườn núi “đổ bộ” vào bản Poọng. Lúc cao điểm, bản có đến hơn 40 người nghiện ma túy. Đặc biệt, do thiếu hiểu biết về cách phòng tránh, nên số người bị lây nhiễm HIV/AIDS không ngừng tăng lên. Cái chết từ ma túy và căn bệnh HIV/AIDS bao trùm lên bản Poọng. Nhiều gia đình phải chịu cảnh con bỏ cha mẹ, anh bỏ em, vợ bỏ chồng... và đau lòng hơn nữa là những trai bản ở tuổi đôi mươi vừa được làm bố đã phải qua đời vì bệnh AIDS, những đứa trẻ nhiễm HIV.

Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Tam Chung cùng sự đồng lòng vượt khó của người dân, nạn ma túy ở đây mới từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Nhắc đến chuyện cũ, trưởng bản Thuật nén tiếng thở dài: “Ma túy, HIV ở bản Poọng giờ là câu chuyện của quá khứ xa vời. Bản Poọng hôm nay khác xưa nhiều lắm, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang. Đời sống của bà con cũng đang hồi sinh và từng bước đi vào ổn định”.

Hướng tới mục tiêu mới

Thiên tai, tệ nạn có thể cướp đi tính mạng và của cải, nhưng không thể cướp đi khát vọng vươn lên của chính quyền và mỗi người dân nơi đây. Những ngày khó khăn cũng qua đi, nhờ sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, “vùng đất chết” năm nào đã về đích NTM vào năm 2023. Đường trong bản được bê tông hóa kiên cố, sạch đẹp; hộ dân nào cũng có công trình vệ sinh đạt chuẩn; không còn học sinh bỏ học; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới; đời sống Nhân dân được nâng cao; an ninh - trật tự ổn định...

Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Chung cùng người dân dựng nhà tại khu tái định cư.

Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Chung cùng người dân dựng nhà tại khu tái định cư.

Theo ông Thuật, bản Poọng hiện có 94 hộ dân với 416 nhân khẩu, trong đó có nhiều trẻ được sinh ra ở bản tái định cư mới. Từ chỗ hơn 50% là hộ nghèo thì đến hết năm 2024, cả bản còn 3 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo và không có hộ đói. Những ngày sau khi trận lũ lịch sử xảy ra, xác định không thể cứ ngồi đó mà trông chờ Nhà nước, cán bộ bản đã họp dân, quyết tâm vực dậy cuộc sống. Cùng với các đoàn thể, ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con thi đua lao động sản xuất. Ruộng nương bị tàn phá thì khắc phục, xây đắp trở lại, vật nuôi chết thì tìm giống mới. Nhờ các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động thường xuyên, bà con đã thay đổi tư duy, bắt tay vào lao động, phát triển kinh tế. Qua thời gian, nhờ chủ động triển khai các mô hình kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp như nuôi bò lai sind, vịt cổ rụt, trồng rừng sản xuất; xây dựng các mô hình trang trại, gia trại..., từ đó không ít hộ trở nên khá giả. Đáng chú ý, ngoài làm nông nghiệp thì bản hiện có hơn 40 lao động đi làm ăn xa ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương... và 4 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bí thư kiêm trưởng bản Poọng Vi Văn Thuật vui mừng chia sẻ về những đổi thay của bản.

Bí thư kiêm trưởng bản Poọng Vi Văn Thuật vui mừng chia sẻ về những đổi thay của bản.

Là một trong những hộ gia đình có kinh tế ổn định trong bản, ông Vi Văn Thời cho biết: Sau trận lũ quét kinh hoàng năm 2018, phần lớn diện tích cấy lúa của gia đình bị đất, đá vùi lấp, bà con động viên nhau tìm cách khắc phục. Nhờ các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất mà gia đình ông cũng như bà con trong bản được cho giống mới, hỗ trợ kỹ thuật nên trồng được 2 vụ lúa trong năm, thu được 3 tạ lúa/sào. Gia đình cũng vay vốn, nuôi được 10 con bò, nuôi lợn, nuôi dê. Chỉ sau 2 năm, ông đã ổn định lại cuộc sống. "Gia đình vừa xuất bán 3 con bê, thu về gần 60 triệu đồng. Hiện trong chuồng trại còn lại 3 con bò cái sinh sản", ông Thời vui vẻ nói.

Trở về, qua những cánh đồng xanh mướt, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang cần cù lao động, dù khó khăn còn đó bộn bề nhưng niềm hy vọng của người dân vẫn bừng lên. Dường như qua cơn hoạn nạn, ý chí con người nơi đây được đắp bồi, nhân lên tình nhân ái để chung sức, đồng lòng gây dựng lại cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Ghi chép của Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ngay-moi-o-ban-poong-240676.htm
Zalo