Đại sứ Phạm Việt Anh: 50 năm xây dựng quan hệ Việt Nam-Hà Lan bình đẳng, cùng có lợi và cùng thắng
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh, trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Hà Lan đã không ngừng nâng tầm, vun đắp mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng nỗ lực, cùng có lợi và cùng thắng.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan (9/4/1973-9/4/2023), Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam những thành tựu quan hệ song phương trong nửa thế kỷ qua và tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong 50 năm qua?
Năm 2023, quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hà Lan đi qua chặng đường 50 năm với những dấu mốc, thành tựu quan trọng cho cả hai bên. Chúng ta có thể khẳng định đây là mẫu mực của quan hệ giữa Việt Nam và một nước châu Âu, tốt đẹp, cởi mở, thẳng thắn, hiệu quả.
Báo chí của Việt Nam nêu nhiều con số phản ánh đầy đủ và toàn diện những thành tựu trong các lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương trong những dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn, trong các chuyến thăm cấp cao. Vì vậy, tôi xin nêu một số thành tựu lớn từ góc độ định tính.
Trước hết, quan hệ hai nước đã có bước chuyển quan trọng sang một giai đoạn mới với hình thức và nội hàm mới. Trước đây, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chiến tranh và hậu quả nó để lại, Hà Lan đã giúp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, thậm chí cả trước khi đặt quan hệ ngoại giao chính thức. Quan hệ lúc đó thiên về cho và nhận. Gần đây, khi Việt Nam có nhiều tiến bộ, quan hệ trở nên hợp tác bình đẳng, cùng nỗ lực, cùng có lợi và cùng thắng.
Thứ hai, mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã không ngừng được nâng tầm. Hai bên đã sớm nhận ra “cơ duyên hợp tác” từ sự tương đồng về hoàn cảnh trước thách thức của thiên nhiên và biến đổi khí hậu, trước vị thế địa chính trị chiến lược để dần nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực, như thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Mới đây, từ tháng 4/2019, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Thứ ba, việc nâng cấp quan hệ luôn được bổ sung bằng nội hàm để đưa quan hệ vào chiều sâu, thiết thực và cụ thể, ngày càng đáp ứng yêu cầu của mỗi nước và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Từ mục tiêu hợp tác vì lợi ích của hai nước, Việt Nam và Hà Lan đã cùng nhận thức về những thách thức chung của nhân loại để cùng chung chí hướng, hợp tác vì tương lai, vì sự tồn vong của trái đất. Mới cuối năm 2022, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hà Lan, hai bên đã thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng để cùng góp phần thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ.
"Năm 2023, quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hà Lan đi qua chặng đường 50 năm với những dấu mốc, thành tựu quan trọng cho cả hai bên. Chúng ta có thể khẳng định đây là mẫu mực của quan hệ giữa Việt Nam và một nước châu Âu, tốt đẹp, cởi mở, thẳng thắn, hiệu quả", Đại sứ Phạm Việt Anh.
Thứ tư, đánh giá thành tựu hợp tác trong suốt 50 năm giữa hai nước chỉ bằng con số là không đủ dù nó đã nói lênnhiều điều. Đối với Việt Nam, tôi cho rằng hợp tác, làm việc cùng với Hà Lan là cơ hội quý để tham khảo, học tập cách tư duy, tiếp cận vấn đề, cách tìm tòi giải pháp và thực hiện chúng một cách hiệu quả.
Qua 50 năm hợp tác, Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều từ Hà Lan, như tư duy mở cửa nền kinh tế, tích cực hội nhập, áp dụng mô hình liên kết “ba nhà” (tương đồng với Triple Helix tại Hà Lan), những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn...
Gần đây, trong chuyến thăm Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rất tâm đắc với mô hình kết nối với bên ngoài rất thành công của Hà Lan xuất phát từ tư duy tích hợp và tầm nhìn toàn diện rất đặc trưng: kết nối hàng không bằng sân bay Schiphol Amsterdam, kết nối đường biển bằng cảng Rotterdam, kết nối trí tuệ bằng Brainport Eidhoven, kết nối nông nghiệp công nghệ cao bằng Greenport World Horti Center. Thủ tướng Phạm Minh Chính tỏ rõ quyết tâm xây dựng một Brainport tại Việt Nam.
Thành tựu hợp tác trong nhận thức thật sự quý giá, nó tác động theo thời gian và ngày càng sâu sắc để tạo ra những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, dần dần tạo ra những bước phát triển vững chắc của kinh tế và xã hội.
Với những thành tựu đó, hai nước có những lợi thế và tiềm năng gì để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai, thưa Đại sứ?
Những thành tựu của hai nước trong suốt 50 năm hợp tác là nền tảng cho sự phát triển quan hệ hợp tác trong tương lai. Sự gần gũi, tương đồng trong nhận thức đưa đến sự tương đồng trong biện pháp ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay đang là sự tiếp biến của những tương đồng về hoàn cảnh và tư duy của hai nước trong quá khứ. Đó là chưa kể sự đồng điệu trong tinh thần vì hòa bình, công lý và tôn trọng những giá trị phổ biến của nhân loại - điều đã thôi thúc nhân dân Hà Lan ủng hộ nhiệt thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.
Nếu nhìn xa hơn vào quá khứ, chặng đường 50 năm này ngắn hơn mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, ngắn hơn nhiều so với hơn 400 năm quan hệ giao thương. Công ty Đông Ấn Hà Lan đã lặn lội đến Việt Nam thu mua hàng hóa, nguyên liệu vì sự hấp dẫn của văn hóa và sản vật Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, thì nay, vị trí địa lý cũng như nhu cầu bổ sung lẫn nhau vẫn luôn là tiềm năng lớn cho quan hệ hai nước.
Mặc dù hai nước đã nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược ở một số lĩnh vực hay Đối tác toàn diện, nhưng kết quả hợp tác vẫn chưa được như mong muốn của hai bên. Những dự án hợp tác cũng mới đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ so với những yêu cầu mới từ những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, từ yêu cầu phát triển bền vững buộc mọi quốc gia phải tham gia, hợp tác.
Năng lực của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quy hoạch và xây dựng cảng biển, kết nối các cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống logistic, nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…vẫn còn là dư địa rộng lớn để đưa quan hệ hợp tác vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao hơn.
Trên trường quốc tế, hai nước vẫn có truyền thống đồng thuận, ủng hộ lẫn nhau và cùng nhau phối hợp. Có thể nói mối quan hệ chính trị hai nước đã tạo dựng được mức độ tin cậy nhất định để chia sẻ quan điểm trên các diễn đàn đa phương. Do đó, sự phối hợp, hợp tác song phương trên các diễn đàn đa phương nhìn chung sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp.
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Tôi cho rằng trong mọi mối quan hệ, muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thì trước tiên phải củng cố và tăng cường lòng tin. Có tin cậy mới có thể cởi mở, trao gửi, mới hết lòng, thật tâm, thực chất và hiệu quả.
Hai nước đã có độ tin cậy lâu nay nhưng cần thường xuyên tham vấn, trao đổi, tham khảo ở các cấp, đặc biệt là cấp cao cũng như các địa phương để thông cảm, hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, để thêm tin tưởng và cùng nhau hợp tác.
Thứ hai, muốn tăng cường tin cậy thì hai bên phải tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu để đem lại hiệu quả nhiều hơn cho mỗi bên.
Hợp tác kinh tế giữa các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu tạo ra những kết quả cụ thể, phục vụ hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước của mỗi bên sẽ là cơ sở làm tăng độ tin cậy lẫn nhau, tạo lợi ích đan xen, hài hòa và cùng thắng. Hiệu quả hợp tác và lòng tin có mối quan hệ biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau.
Thứ ba, để hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả cao, hai nước cần cùng nhau phát huy các kênh hợp tác có sẵn nhưng phải cụ thể hơn và ở tầm cao hơn.
Theo đó, cần cụ thể hóa các mục tiêu, biện pháp, lộ trình cũng như phân công thực hiện. Cần cụ thể hóa cả khâu kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá theo cơ chế riêng của mỗi bên cũng như cơ chế chung.
Hiện nay, Ủy ban Liên Chính phủ chỉ theo dõi hợp tác trong “Đối tác chiến lược về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước”, Bộ Nông nghiệp hai bên theo dõi hợp tác trong “Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực”. Tuy nhiên, khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, hai bên cần có cơ chế chung để theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả của tất cả các chương trình, dự án hợp tác nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu mỗi bên và phù hợp với yêu cầu và xu thế quốc tế.
Thứ tư, do nền kinh tế có độ mở cao, các địa phương và doanh nghiệp Hà Lan có vai trò lớn trong việc trực tiếp tạo ra sản phẩm nên có độ tự chủ, độc lập và linh hoạt rất cao. Văn hóa giao tiếp Hà Lan là trực diện, cụ thể nên khi đặt vấn đề hợp tác cần có đầy đủ thông tin và cách tiếp cận, giúp hình dung trước được kết quả hợp tác.
Như vậy, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thực tiễn các thế mạnh, định hướng và yêu cầu khắt khe của thị trường Hà Lan, chuẩn bị sẵn những thế mạnh, tiềm năng, nhu cầu, định hướng của mình để kết nối thành công với các đối tác Hà Lan trong từng địa phương, lĩnh vực, từng ngành nghề. Như vậy hợp tác mới đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!