'Mổ xẻ' mô hình phát triển kinh tế mới của Trung Quốc
Những thay đổi trong phương thức phát triển của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc sẽ tác động sâu sắc đến sự tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giúp định hình cấu trúc an ninh khu vực và trật tự thế giới trong tương lai.
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu Trung Quốc lần thứ ba với chủ đề 'Chuyển đổi phương thức phát triển trong thời kỳ mới: Trung Quốc và trật tự kinh tế thế giới mới'.
Hội thảo quốc tế về nghiên cứu Trung Quốc lần thứ 3 là sự tiếp nối thành công của của chuỗi sự kiện China Talk từ năm 2013, được Học viện Ngoại giao tổ chức 2 lần/năm. Hội thảo là diễn đàn nhằm thúc đẩy trao đổi toàn diện và tăng cường hiểu biết về chiều hướng, triển vọng và tác động quốc tế của các biện pháp cải cách kinh tế được đề ra trong Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hội thảo quy tụ gần 150 đại biểu gồm các học giả và nhà nghiên cứu, chuyên gia về Trung Quốc, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các cơ quan nghiên cứu trong nước, Bộ ban ngành liên quan, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng sự phát triển của Trung Quốc có tác động sâu rộng đến các nền kinh tế khu vực và trên thế giới. Do đó, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy trao đổi và hiểu biết về quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, đồng thời đánh giá các tác động đối với kinh tế khu vực và toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định những thay đổi trong phương thức phát triển của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc sẽ tác động sâu sắc đến sự tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giúp định hình cấu trúc an ninh khu vực và trật tự thế giới trong tương lai.
Chia sẻ với nhận định trên, Đại diện Quỹ Konrad Adenauer Stiftung Bắc Kinh, ông Johann Fuhrmann cho rằng, kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn mang tính then chốt khi Trung Quốc chuyển từ mô hình phát triển nhanh sang phát triển chất lượng cao. Hội thảo diễn ra đúng thời điểm và là cơ hội quý giá để trao đổi sâu rộng và toàn diện hơn về mô hình phát triển kinh tế mới của Trung Quốc.
Trong bầu không khí học thuật thẳng thắn, sôi nổi với 11 bài trình bày trong 3 phiên chính và một phiên Đặc biệt, các học giả đã thảo luận những vấn đề từ đường lối, chính sách cho đến thực tiễn triển khai; từ tác động đối nội đến hàm ý đối ngoại.
Phiên đặc biệt có sự tham dự của hai diễn giả chính là Giáo sư Lý Đạo Quỳ, nguyên Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Viện trưởng Viện nghiên cứu tư tưởng và thực tiễn kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa và Giáo sư Martin Jacques, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “When China Rules the World: the End of the Western World and the Birth of a New Global Order”.
Giáo sư Lý Đạo Quỳ đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, bao gồm những vấn đề mang tính hệ thống mà Trung Quốc đang phải đối mặt và những giải pháp tiềm năng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Trong khi đó, Giáo sư Martin Jacques đã phân tích và làm rõ những nét đặc sắc của mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, đặc biệt là sự phát triển về công nghệ, chuyển đổi năng lượng cũng như những hàm ý đối với các nước thế giới.
Phiên 1 với chủ đề "Giải mã động lực động lực kinh tế Trung Quốc" đã tập trung làm sáng tỏ nội hàm chính sách cải cách kinh tế mới của Trung Quốc. Trong đó, các diễn giả đã phân tích bối cảnh, động lực thúc đẩy, mục tiêu cũng như những vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng chất lượng cao.
Các diễn giả cho rằng, trước những thách thức trong nước, tình hình quốc tế biến động và phức tạp, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách toàn diện, dẫn dắt mọi thành phần trong nền kinh tế để mở rộng không gian phát triển kinh tế mới, duy trì nền kinh tế với độ mở cao và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên toàn cầu.
Tại phiên 2 về "Thực trạng kinh tế Trung Quốc", các diễn giả đã phân tích những thuận lợi và thách thức của Trung Quốc trong quá trình triển khai các biện pháp cải cách kinh tế. Bên cạnh nền tảng thuận lợi là những thành tựu kinh tế đã đạt được trong hơn 40 năm qua, Trung Quốc đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức; trong đó, đáng chú ý nhất là xu hướng phi toàn cầu hóa, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược và sự thay đổi trong nhân khẩu học của Trung Quốc.
Với chủ đề "Cơ hội và thách thức đối với khu vực và thế giới", phiên cuối cùng tập trung đánh giá tác động từ các biện pháp cải cách kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực và thế giới, nhất là những thay đổi quá trình triển khai các sáng kiến toàn cầu như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI).
Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu Trung Quốc lần thứ ba đã kết thúc với kết quả thành công tốt đẹp, đem lại những góc nhìn toàn diện, sâu sắc về định hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc và những tác động của tiến trình này đối với trật tự thế giới.