Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam: Bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam

Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam cách đây 50 năm là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập cho Tổ quốc; thể hiện sự ủng hộ vô điều kiện của bạn bè quốc tế với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Chiến thắng này là nền tảng vững bền của tình hữu nghị Nga-Việt được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.

Giáo sư Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam. (Ảnh: Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam)

Giáo sư Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam. (Ảnh: Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam)

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Bezdetko Gennady Stepanovich, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4; đánh giá về những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước.

Phóng viên: Hòa chung không khí nhân dân Việt Nam đang hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, theo Đại sứ, Chiến thắng 30/4 có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình đấu tranh giành độc lập của quân và dân Việt Nam?

Đại sứ Bezdetko Gennady Stepanovich: Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam đã lật đổ chế độ bù nhìn ngụy quyền, đánh dấu kết thúc cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Con đường dẫn đến chiến thắng này không hề dễ dàng. Trong hàng chục năm, Việt Nam đã phải gánh chịu những trận mưa bom bão đạn. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã quyết định giúp nhà nước Việt Nam vừa mới giành được độc lập bảo đảm an ninh và tăng cường năng lực quốc phòng. Quyết định này được khẳng định trong Tuyên bố chung của các phái đoàn của Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 10/2/1965.

Kể từ thời điểm đó, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu được trang bị vũ khí hiện đại, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đánh bại các cuộc tấn công bằng đường không của quân xâm lược.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga Giáo sư Bezdetko ngày 2/4 vừa qua. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Liên bang Nga Giáo sư Bezdetko ngày 2/4 vừa qua. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Việt Nam được cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự mới nhất thời bấy giờ, bao gồm máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không, xe tăng, pháo và đạn dược, mọi đồ dùng thiết yếu cho tiền tuyến và hậu phương, bao gồm các trang thiết bị, xe cộ, sản phẩm dầu mỏ, kim loại đen và kim loại màu, thuốc men và thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhờ tham gia các khóa đào tạo của Liên Xô, các sĩ quan thuộc các quân binh chủng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ tiên tiến trong một thời gian ngắn.

Miền bắc Việt Nam đã trở thành pháo đài bất khả xâm phạm, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Theo dữ liệu công khai từ Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ tháng 7/1965 đến tháng 12/1974, Liên Xô đã cử hơn 6.000 tướng lĩnh, sĩ quan và hơn 4.500 binh sĩ và hạ sĩ quan sang tham gia chiến đấu cùng quân và dân Việt Nam.

Mặc dù, phải gánh chịu tổn thất rất lớn trong chiến tranh song nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi, giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Chiến thắng này chứng tỏ trước toàn thế giới tấm gương của một quốc gia đất không rộng, người không đông, đã đánh bại kẻ thù lớn mạnh gấp bội.

Chiến thắng 30/4 của quân và dân Việt Nam cách đây 50 năm là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí kiên cường trong cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập cho Tổ quốc; thể hiện sự ủng hộ vô điều kiện của bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Chiến thắng này là nền tảng vững bền của tình hữu nghị Nga-Việt được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Giáo sư Bezdetko

Phóng viên: 50 năm sau khi thống nhất, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đại sứ đánh giá như thế nào về sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây?

Đại sứ Bezdetko Gennady Stepanovich: Rõ ràng, là cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và vật chất đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ những thành tựu lao động của nhân dân và sự giúp đỡ của các nước bạn, trong đó có Liên Xô, Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục được hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Trong thành công này, tôi đặc biệt muốn lưu ý, Liên Xô đã cung cấp viện trợ quy mô lớn mà trong đó phần lớn là không hoàn lại cho nhân dân Việt Nam anh em trong giai đoạn tái thiết sau chiến tranh và xây dựng hòa bình. Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã tham gia xây dựng các xí nghiệp công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các cơ sở văn hóa... Điển hình là một số công trình như: cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, Nhà máy thủy điện Hòa Bình - một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam Vietsovpetro đã trở thành biểu tượng của kỷ nguyên đó.

Một giai đoạn hoàn toàn mới bắt đầu vào năm 1986, khi Việt Nam thực hiện đường lối Đổi mới. Nội dung then chốt của đường lối Đổi mới là đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng các xí nghiệp sản xuất có sự tham gia vốn của nước ngoài. Ngoài ra, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh cũng được nới lỏng đáng kể.

Nhờ các biện pháp cải cách và đổi mới, sản lượng nông nghiệp đã tăng trưởng nhanh chóng và bắt đầu hình thành các ngành công nghiệp mới, bao gồm cả các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Kết quả là, trong nhiều thập kỷ liên tục, Việt Nam đã chứng tỏ mình là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao nhất thế giới. Chúng tôi rất vui mừng trước thành công của những người bạn Việt Nam.

Tiến bộ đạt được không chỉ nhờ có được những lợi thế cạnh tranh tự nhiên của Việt Nam, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, sự ổn định chính trị trong nước và nguồn lao động giá rẻ và có trình độ cao, mà còn nhờ có quan hệ hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài trên cơ sở phi chính trị hóa và cùng có lợi.

Phóng viên: Nhìn vào những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, theo Đại sứ, đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành nước phát triển, có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hay không và Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu đó?

Đại sứ Bezdetko Gennady Stepanovich: Theo tôi, việc đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao vào năm 2045 là nhiệm vụ đầy khó khăn. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện và các giải pháp được cân nhắc cẩn trọng, bao gồm bảo đảm ổn định chính trị trong nước, phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, lĩnh vực xã hội, hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, hiện đại hóa và số hóa toàn diện, triển khai rộng rãi các sáng kiến và nhiều biện pháp khác nữa.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ này như đã từng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là thống nhất đất nước cách đây 50 năm.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Liên bang Nga Giáo sư Bezdetko chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Liên bang Nga-Việt Nam. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Liên bang Nga Giáo sư Bezdetko chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Liên bang Nga-Việt Nam. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Như chúng ta đã biết, thế giới đương đại đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Sẽ không cường điệu khi nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại của sự thay đổi. Trong đó, trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững hơn đang được hình thành.

Trong bước ngoặt lịch sử này, điều quan trọng là duy trì quan hệ tương tác với những người bạn đáng tin cậy. Chắc chắn rằng trong số đó có Nga và Việt Nam. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam sẽ là một trong những yếu tố làm nên thành công của Việt Nam trên con đường hướng tới mục tiêu năm 2045.

Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng các bạn Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam thống nhất đất nước, chúc các bạn giành được nhiều thắng lợi mới, hạnh phúc và thịnh vượng!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

KHÁNH LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dai-su-lien-bang-nga-tai-viet-nam-ban-be-quoc-te-ung-ho-cuoc-dau-tranh-chinh-nghia-cua-viet-nam-post876300.html
Zalo