Đại sứ Indonesia: Hội nghị thượng đỉnh P4G là lời kêu gọi hành động trước thách thức cấp bách của thời đại

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho rằng Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 là cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy cam kết toàn cầu về phát triển bền vững và việc Việt Nam đăng cai Hội nghị lần này là lời kêu gọi hành động mạnh mẽ trước một thách thức cấp bách nhất của thời đại.

Việt Nam và Indonesia đã có nhiều cam kết hợp tác phát triển xanh trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia tháng 3 vừa qua, nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. (Ảnh: Tuấn Anh)

Việt Nam và Indonesia đã có nhiều cam kết hợp tác phát triển xanh trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Indonesia tháng 3 vừa qua, nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò, tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" trong bối cảnh quốc tế hiện nay?

Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4, do Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức vào ngày 16-17/4 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy cam kết toàn cầu về phát triển bền vững. Tiếp nối thành công của các Hội nghị trước tại Copenhagen (2018), Seoul (2021) và Colombia (2023), tôi tin rằng Hội nghị lần này sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi. (Nguồn: Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam)

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi. (Nguồn: Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam)

Chủ đề của Hội nghị P4G lần thứ 4 – "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" là sự phát triển tự nhiên từ chủ đề của Hội nghị trước: "Đối tác chuyển đổi vì sự bền vững".

Chủ đề lần này nhấn mạnh đến tính toàn diện, bền vững, đổi mới sáng tạo và con người – những yếu tố then chốt để đảm bảo một quá trình chuyển đổi xanh thành công.

Trọng tâm này hoàn toàn phù hợp với các SDGs, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến năng lượng sạch với giá cả hợp lý, đổi mới công nghiệp và phát triển đô thị bền vững.

Sự cấp bách của quá trình chuyển đổi xanh rõ ràng không thể xem nhẹ. Tăng trưởng kinh tế không nên đánh đổi bằng sự suy giảm của môi trường. Tuy nhiên, các báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy tiến trình thực hiện các SDGs đang chậm lại đáng kể, với chỉ 17% chỉ tiêu đang đi đúng lộ trình.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khoảng cách tài chính. Các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với mức thiếu hụt khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm để có thể đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030. Sự thiếu hụt này cản trở khả năng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ bền vững, làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trên phạm vi toàn cầu.

Hội nghị P4G lần thứ 4 giải quyết thách thức này bằng cách tạo ra một diễn đàn giúp các quốc gia đang phát triển tiếp cận hỗ trợ phát triển và nguồn tài chính từ các đối tác P4G. Sự hỗ trợ này đóng vai trò then chốt trong việc huy động đầu tư cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi xanh và đạt được các SDGs. Hơn nữa, trọng tâm của hội nghị là tập trung vào các mô hình hợp tác sáng tạo cũng phù hợp với lời kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho phát triển bền vững.

Việt Nam luôn nỗ lực để đạt được các mục tiêu SDGs. Quan sát thực tế này, Đại sứ cảm nhận ra sao về nỗ lực giải quyết các thác thức và đóng góp vào các ưu tiên chính của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy phát triển bền vững?

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, ngay cả trong bối cảnh những thách thức toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Sự kiên cường này không chỉ phản ánh cách tiếp cận linh hoạt và năng động của Việt Nam đối với phát triển mà còn cho thấy khả năng cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững.

Với chính sách không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể như ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng; hoàn thiện các chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặc biệt là thông qua việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Điện lực.

Việt Nam cũng dự kiến thí điểm nền tảng giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025, thể hiện mong muốn đồng hành và hội nhập cùng thế giới trong lĩnh vực xanh. Điều này chứng minh rằng các quốc gia đang phát triển cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các SDGs.

Nếu chúng ta không đạt được các SDGs, những rủi ro sẽ vô cùng lớn. Vai trò chủ động của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh P4G là minh chứng cho cam kết trong việc ngăn chặn những hậu quả này, đồng thời nỗ lực của Việt Nam cũng là lời kêu gọi mạnh mẽ tới toàn cầu để cùng hành động, giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thời đại.

Nhà máy điện hơi nước Lontar nằm ở quận Tangerang, Banten (Indonesia), đã giành Giải thưởng Subroto năm 2024 cho những đóng góp trong việc giảm phát thải. (Nguồn: Antara)

Nhà máy điện hơi nước Lontar nằm ở quận Tangerang, Banten (Indonesia), đã giành Giải thưởng Subroto năm 2024 cho những đóng góp trong việc giảm phát thải. (Nguồn: Antara)

Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác như thế nào trong việc đẩy mạnh các trụ cột chính sách trong khuôn khổ P4G ở cấp độ song phương, ASEAN hay các diễn đàn đa phương toàn cầu, thưa Đại sứ?

Khi các thách thức toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, Indonesia và Việt Nam cần hợp tác để đảm bảo rằng tiến bộ kinh tế luôn đi đôi với tính bền vững, bằng cách thúc đẩy các trụ cột chính của sáng kiến P4G.

Một trong những trụ cột quan trọng của sáng kiến P4G là năng lượng sạch. Trong lịch sử, sự tăng trưởng của Indonesia và Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Để chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn, cả hai quốc gia cần hợp tác trong việc đa dạng hóa năng lượng, bao gồm phát triển hệ sinh thái xe điện (EV) và triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP). Đồng thời, việc đầu tư chung vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, cũng là yếu tố quan trọng giúp Indonesia và Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đảm bảo nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường là một trụ cột quan trọng khác của P4G, đồng thời là thách thức lớn đối với các quốc gia có dân số đông. Phát triển đô thị bền vững đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết những vấn đề này. Các sáng kiến hợp tác về quản lý chất thải và công nghệ xử lý nước có thể giúp nâng cao tính bền vững, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, đồng thời hướng tới xây dựng các thành phố xanh, sạch và bền vững hơn.

Giải quyết nạn đói và thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm cũng là những trụ cột quan trọng của P4G. Tại Việt Nam, khoảng 7 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, trong khi con số này ở Indonesia lên tới 14,7 triệu tấn. Điều này không chỉ gây tổn thất kinh tế đáng kể mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và đe dọa an ninh lương thực.

Là hai quốc gia có dân số lớn nhất trong ASEAN, sự phát triển và tiến bộ của Indonesia và Việt Nam sẽ có tác động đáng kể đến toàn khu vực. Do đó, cả hai quốc gia cần đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực về phát triển bền vững.

Bằng cách tăng cường quan hệ đối tác đa phương và tận dụng hỗ trợ quốc tế, Indonesia và Việt Nam có thể tạo ra một mô hình tăng trưởng kinh tế vừa toàn diện vừa có trách nhiệm với môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của ASEAN, khu vực và thế giới.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-indonesia-hoi-nghi-thuong-dinh-p4g-la-loi-keu-goi-hanh-dong-truoc-thach-thuc-cap-bach-cua-thoi-dai-311125.html
Zalo