Đãi ngộ đặc biệt với nhân lực y tế chất lượng cao: Chìa khóa giữ chân và tạo động lực lâu dài

Tăng thu nhập, miễn học phí, hỗ trợ tài chính, cải thiện môi trường làm việc... nhiều địa phương đã và đang mạnh dạn áp dụng cơ chế đãi ngộ đặc biệt để thu hút và giữ chân nhân lực y tế chất lượng cao.

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình trạng bác sĩ giỏi rời bệnh viện công sang bệnh viện tư, hoặc chuyển nghề do áp lực cao và thu nhập thấp đã và đang diễn ra.

Không chỉ các bệnh viện tuyến trên, mà tuyến y tế cơ sở, vùng sâu vùng xa đang rơi vào cảnh thiếu bác sĩ.

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên hiện chỉ có 5–7 bác sĩ trên 1 vạn dân - mức rất thấp so với yêu cầu bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước thực tế này, việc tăng cường chính sách đãi ngộ đặc biệt để giữ chân nhân lực y tế chất lượng cao đã không còn là lựa chọn, mà là điều bắt buộc.

Hiện nhiều địa phương đã có các chính sách để giữ chân nhân viên y tế chất lượng cao.

Hiện nhiều địa phương đã có các chính sách để giữ chân nhân viên y tế chất lượng cao.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp thu hút và giữ chân nhân lực y tế chất lượng cao.

Có thể kể đến như Quảng Ninh miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y cam kết công tác tại tỉnh; viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học được hỗ trợ một lần, với các mức như sau: 2 tỉ đồng/người cho tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 đào tạo ở nước ngoài; 250 triệu đồng/người cho tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 ở trong nước; 1 tỉ đồng/người cho cho tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 đào tạo ở nước ngoài; 100 triệu đồng/người cho tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 đào tạo ở trong nước.

Đà Nẵng chi tới 300 triệu đồng để thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến huyện; Thái Bình đặt hàng đào tạo bác sĩ nội trú với cam kết tuyển dụng sau tốt nghiệp.

TP.HCM tăng thu nhập ngoài lương thông qua cơ chế tự chủ bệnh viện.

Gia Lai có chính sách đào tạo, bác sĩ có trình độ tiến sĩ được hỗ trợ 500 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa cấp II là 350 triệu đồng/người; bác sĩ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú là 150 triệu đồng/người...

Các mô hình trên cho thấy sự thay đổi về tư duy, chính sách để giữ người tài. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nỗ lực từ một số địa phương, mang tính cục bộ. Điều đó đòi hỏi thêm các chính sách đồng bộ từ Trung ương.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, một trong những nhiệm vụ giải pháp được đưa ra tại Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 - 2030, định hướng 2050 là tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho một số chuyên ngành kém thu hút và vùng khó khăn. Tăng thêm cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; khuyến khích mô hình liên kết cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành tại địa phương. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn, giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút và khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế đào tạo cử tuyển, đào tạo theo đặt hàng, đào tạo liên thông đối với một số ngành trình độ cao đẳng, đại học để đảm bảo đủ số lượng nhân lực y tế và tạo nguồn cho đào tạo sau đại học các chuyên ngành khó thu hút, như Lao, Phong, Truyền nhiễm, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức cấp cứu, Dân số, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.

"Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành khó thu hút sau khi tốt nghiệp trở về địa phương. Các địa phương xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, chuyên khoa sau đại học làm việc tại các vùng khó khăn... Sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề để thu hút cán bộ y tế làm việc tại các chuyên ngành khó thu hút ở vùng khó khăn" - Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả chương trình quân dân y kết hợp; phát triển mô hình đào tạo theo địa chỉ nhằm đảm bảo nhân lực y tế cho các vùng biên giới, hải đảo.

Đầu tư cho nhân lực y tế chất lượng cao không chỉ là đầu tư cho hiện tại, mà còn là cách bảo vệ sức khỏe tương lai của cả dân tộc. Cần một hệ thống chính sách đủ mạnh, đủ dài hơi để những người giỏi, người trẻ, người có tâm huyết lựa chọn và gắn bó với ngành Y như một con đường bền vững.

Nguyễn Lê

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dai-ngo-dac-biet-voi-nhan-luc-y-te-chat-luong-cao-chia-khoa-giu-chan-va-tao-dong-luc-lau-dai-169250630220635615.htm
Zalo