Đài Loan sẽ tiếp tục điều tra xi măng Việt Nam bán phá giá
6 doanh nghiệp Việt Nam hiện bị cáo buộc bán phá giá xi măng portland và clinker vào Đài Loan với biên độ từ 16,42%~19,73%, trong khi các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu khác lên tới 23,75%...

Ảnh minh họa.
Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) cho biết Cơ quan quản lý Tài chính Đài Loan (MOF) vừa có văn bản gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, thông báo kết quả điều tra sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá của xi măng portland và clinker của Việt Nam.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam liên quan trong vụ việc này là sự thật.
Dựa trên kết quả điều tra sơ bộ về thiệt hại công nghiệp cho ngành sản xuất xi măng Đài Loan của Cơ quan quản lý Kinh tế Đài Loan (MOEA) xác định có dấu hiệu hợp lý cho thấy có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Đài Loan, song trong quá trình điều tra không có tình trạng doanh nghiệp Đài Loan tiếp tục chịu thiệt hại. Do đó, Đài Loan không áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Cũng theo thông báo của MOF, có 21 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trả lời (Q&A) trong vụ việc điều tra này, song chỉ có 6 doanh nghiệp phù hợp về tư cách do không sản xuất nhóm hàng hóa liên quan đến vụ việc hoặc chưa xuất khẩu nhóm hàng hóa liên quan đến vụ việc sang Đài Loan.
Kết luận sơ bộ của MOF cho thấy 6 doanh nghiệp Việt Nam hiện bị cáo buộc bán phá giá xi măng portland và clinker vào Đài Loan với biên độ từ 16,42% ~ 19,73%, trong khi các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu khác lên tới 23,75%.
Như vậy, ngoài xi măng Long Sơn, các doanh nghiệp còn lại đều có biên độ cao hơn so với mức 16,99% mà nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (TCMA) đề xuất.
Cũng theo thông báo của MOF, vụ việc này vẫn cần phải tiến hành điều tra bán phá giá sau cùng. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra tại chỗ hoặc các bằng chứng mới khác, có thể đưa ra các biên độ bán phá giá khác nhau hoặc có thể đưa ra các kết luận khác nhau.
MOF và MOEA sẽ tiếp tục điều tra để đưa ra kết luận sau cùng về việc này.
Trước đó, ngày 8/8/2024, Đài Loan đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, mặt hàng bị điều tra là xi măng và clinker được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3. Thời kỳ điều tra bán phá giá: từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam: 16,99%