Đài Loan còn có thể giữ vị thế trung tâm bán dẫn dưới chính quyền Donald Trump?
Trước những phát biểu không mấy thiện chí của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu Đài Loan muốn giữ vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, các chuyên gia cho rằng Đài Loan sẽ cần đẩy mạnh nâng cao công nghệ chip và mở rộng gấp đôi chuỗi cung ứng…
"Tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác lâu dài giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, được xây dựng dựa trên các giá trị và lợi ích chung, sẽ tiếp tục là trụ cột của sự ổn định và thịnh vượng của khu vực cho tất cả mọi người", nhà lãnh đạo của Đài Loan William Lai Ching-te cho biết trong một bức thư chúc mừng gửi Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Đài Loan từ lâu đã là một trung tâm bán dẫn, với các chip cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ thiết bị điện tử hàng ngày đến tuabin gió tiên tiến và thiết bị quân sự.
Ông Cliff Hou, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đài Loan và là Phó Chủ tịch cấp cao của TSMC, cho biết: “Chúng tôi cần tăng cường R&D để giữ vị trí quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”. Ông cũng nói rằng các cuộc đàm phán với chính quyền Đài Loan đang được tiến hành để đưa các đối tác nước ngoài thành lập các trung tâm thiết kế và vật liệu tại Đài Loan.
Theo một giám đốc điều hành hàng đầu của TSMC, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan sẽ chứng kiến sản lượng tăng 22% trong năm nay, đạt hơn 164 tỷ USD, được thúc đẩy bởi công nghệ AI bùng nổ và nền kinh tế phục hồi.
Đài Loan dẫn đầu về sản xuất chip toàn cầu song cũng luôn trong trạng thái căng thẳng địa chính trị. Việc ông Donald Trump tái đắc cử có thể thay đổi cách Đài Loan hòa nhập với quan hệ quốc tế, nhưng không phải theo hướng tích cực. Trong khi Tổng thống Joe Biden công khai ủng hộ bảo vệ Đài Loan, ông Donald Trump lại thẳng thừng tuyên bố Đài Loan nên tự trả tiền cho việc tự vệ.
Theo đó, những bình luận gần đây của ông Donald Trump báo hiệu tương lai không mấy thuận lợi của Đài Loan. Ông đề xuất rằng ngân sách quốc phòng của Đài Loan nên tự tăng lên 10% GDP và công khai đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong việc bảo hộ Đài Loan. Thậm chí ông Donald Trump còn cho rằng: “Những công ty chip của Đài Loan đã đánh cắp 95% hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Donald Trump nhiệm kỳ trước, cảnh báo rằng vận mệnh của Đài Loan sẽ không suôn sẻ trong nhiệm kỳ mới đây của Tổng thống Donald Trump. Một ngày trước cuộc bầu cử, ông Cho Jung-tai, người đứng đầu nội các Đài Loan, đã thẳng thắn về chi tiêu quốc phòng, chỉ ra rằng ngân sách không thể được mở rộng "chỉ sau một đêm".
Ông Han Kuo-yu, một nhà lập pháp chủ chốt Đài Loan, đã lặp lại những lo ngại đó, nói rằng những thách thức chính trị và kinh tế của Đài Loan có khả năng gia tăng trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Ông Lai Shyh-bao, một nhà lập pháp khác, nói thêm rằng ảnh hưởng tiềm năng của ông Donald Trump đối với ngành công nghiệp chip của Đài Loan "không nên đánh giá thấp".
Thế nhưng, ông Hou, một chuyên gia thâm niên 27 năm của TSMC với bằng tiến sĩ của Mỹ, nói tại một sự kiện ở Tân Trúc rằng mối quan hệ chặt chẽ của Đài Loan với Mỹ sẽ không dao động, bất kể bối cảnh chính trị. Tổng thống Donald Trump từng cho rằng thuế quan có thể là công cụ để khuyến khích các công ty như TSMC xây dựng các cơ sở chip ở Mỹ. Tuy nhiên, ông Hou cho biết ngành công nghiệp Đài Loan chưa được thông báo về bất kỳ mức thuế nào sắp tới.
Ông Kuo Yu-jen, Giáo sư từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á-Thái Bình Dương, khuyên Đài Loan nên "theo dõi chặt chẽ các chính sách của Trump" để chuẩn bị cho bất kỳ thay đổi nào.
Đài Loan cho biết sẽ giữ công nghệ tiên tiến nhất của TSMC trong giới hạn biên giới. Theo đó, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan, J.W. Kuo, việc TSMC xuất khẩu các công nghệ tiên tiến ra nước ngoài là bất hợp pháp. Thế nhưng mới đây, Economic Daily đưa tin, một bộ trưởng khác của Đài Loan cho biết Đài Loan đang thảo luận việc chuyển giao nút cho các quốc gia dân chủ thân thiện sau khi chip 2nm của TSMC đi vào sản xuất hàng loạt vào nửa cuối năm 2025.