Đại học Xây dựng Hà Nội hợp tác đào tạo lĩnh vực đường sắt tốc độ cao
Ngày 20/5, trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường sắt.
Nhân dịp này, Công TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam đã trao học bổng của cho Quỹ học bổng và phong trào sinh viên của Khoa Cầu đường. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đường sắt (UHRI Hub) phối hợp với Khoa Cầu đường tổ chức tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và Thách thức".
Đào tạo nguồn nhân lực đường sắt tốc độ cao gắn với thực tiễn
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang quy hoạch 5 trường kỹ thuật trọng điểm, trong đó trường Đại học Xây dựng là một trong những đơn vị được chú trọng đầu tư trên lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.

Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Giang, các trường đại học đóng vai trò trung tâm trong việc đổi mới sáng tạo và phát triển các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là phục vụ cho phát triển hạ tầng đất nước.
Nhà trường đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai thực tế các dự án nghiên cứu nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm.
Đại học Xây dựng Hà Nội rất quan tâm, hợp tác với các đối tác Nhật Bản - quốc gia đã triển khai đường sắt cao tốc từ năm 1964. Thông qua việc phối hợp tổ chức tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và Thách thức", Nhà trường kỳ vọng sẽ có nhiều đề xuất thiết thực gửi tới cơ quan có thẩm quyền, góp phần xây dựng chính sách phát triển phù hợp trong thời gian tới.
Ông Hồ Thái Hùng, Tổng giám đốc Công ty CKJVN, Giám đốc UHRI Hub (thuộc Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam) cũng bày tỏ: Buổi tọa đàm là dấu mốc quan trọng, góp phần gia tăng cơ hội trao đổi, hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các bên liên quan trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
"Chúng tôi mong muốn trở thành cầu nối chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết, nghiên cứu và giải pháp công nghệ kỹ thuật cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề cần giải quyết… của các bên khi tham gia vào các dự án đường sắt, đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam. Từ đó mở ra các cơ hội hợp tác góp phần hiện thực hóa một tương lai giao thông tốc độ, thông minh, an toàn và bền vững", ông Hồ Thái Hùng cho biết thêm.

Ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam.
Khuyến nghị chính sách và công nghệ đào tạo kỹ sư ngành giao thông hiện đại
Tại tọa đàm, ông Aoki Keiichi, kỹ sư trưởng Công ty TNHH Chodai (Nhật Bản) chia sẻ sự khác biệt giữa đường sắt tốc độ cao và đường sắt thông thường, dẫn chứng quốc tế và cảnh báo về những quan niệm sai lầm cũng như vấn đề tín giả trong lĩnh vực này.
PGS.TS Tống Trần Tùng, thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh sự cần thiết thống nhất quản lý nhà nước về kỹ thuật và đề xuất xây dựng hệ tiêu chuẩn đường sắt đô thị liên thông; chuyển ngữ và hiệu đính các tiêu chuẩn của châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc để lựa chọn bộ tiêu chuẩn quốc gia phù hợp…

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm từ Nhật Bản phục vụ công tác xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Các diễn giả cũng đã chia sẻ một số giải pháp công nghệ đáng chú ý như: Ông Masataka Yamamoto (Tổng giám đốc Công ty IHI Infrastructure Asia) chia sẻ về công nghệ xây cầu thép; ông Koji Takeya (Trưởng phòng kỹ thuật Công ty SE Corporation) với giải pháp ổn định mái dốc và móng cọc; ông Toshio Takebayashi (Chủ tịch Công ty Nippon Sokei) với công nghệ ép cọc tiên tiến; PGS.TS Phan Huy Đông (giảng viên Khoa Cầu đường) với giải pháp nền móng cho tuyến đường sắt trên nền đất yếu.
Chủ động nguồn nhân lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công trình trọng điểm
Đề xuất Thủ tướng được quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân
Tọa đàm kết thúc với phần thảo luận bàn tròn trao đổi sôi nổi giữa các diễn giả và người tham dự trực tiếp lẫn trực tuyến. Nhiều câu hỏi, ý kiến thảo luận đã được đặt ra thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng chuyên môn đến chủ đề này.