Đại học thông minh: Lời giải cho 'bài toán' nguồn nhân lực
Chuyển đổi mô hình giáo dục đại học từ truyền thống sang đại học thông minh sẽ giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.
Nguồn cung nhân lực chất lượng cao
Trong những năm vừa qua, ngành giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, những năm qua, chất lượng đào tạo giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như: Hoạt động đào tạo mang nặng tính lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo, đổi mới…
Những hạn chế trong giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng thiếu nguồn lao động có trình độ và chuyên môn cao. Để khắc phục những điểm hạn chế trong mô hình giáo dục đại học hiện nay, việc chuyển đổi mô hình giáo dục đại học từ truyền thống sang mô hình giáo dục đại học thông minh trở nên cấp thiết.

Thư viện thông minh tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: UEH
Theo đó, đại học thông minh là mô hình giáo dục đại học ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu và quản lý. Mô hình này thường dựa trên các yếu tố chính như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT) và chuyển đổi số.
Mô hình này nhằm mục đích tập hợp các dịch vụ thông minh cùng với công nghệ để xây dựng hoặc cải thiện một trường đại học thành một hệ sinh thái học tập mang tính tương tác, thích ứng và kỹ thuật số để đối phó với những nhu cầu mới và mới nổi từ cả xã hội hiện đại và thị trường lao động. Đây là con đường dẫn đến trường đại học tương lai khi đại học thông minh trở thành động lực để đạt được sự phát triển bền vững.
Đánh giá về đại học thông minh, PGS.TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) nhận định, ở góc độ nhà trường đang làm và đang nghiên cứu, khái niệm đại học thông minh được khái quát là một cơ sở giáo dục đại học định hướng có chuyển đổi số và sử dụng những hạ tầng kỹ thuật số, nguồn nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ số để cung cấp các dịch vụ học tập được cá nhân hóa cho người học thuộc mọi thế hệ, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời và phát triển bền vững. Đây là một ý rất quan trọng trong mục đích làm đại học thông minh.
"Nói đơn giản hơn là “sự thông minh – smart” là các giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề và thách thức mà trường đại học đặt ra trong quá trình hoạt động của mình, vì sự phát triển bền vững của trường đại học đó. Có một lưu ý là ở đại học thông minh, công nghệ là công cụ để giúp giải quyết các vấn đề chứ không phải ứng dụng công nghệ đã là thông minh. Các giải pháp có tính đổi mới sáng tạo giải quyết các thách thức của trường đại học thì mới gọi là thông minh”, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cần ưu tiên phát triển đại học thông minh
Các chuyên gia nhận định, mô hình đại học thông minh sẽ có những đặc điểm cơ bản như: Giảng dạy với công nghệ hiện đại, trong đó, chú trọng áp dụng trí tuệ nhân tạo AI để cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Sử dụng nền tảng học trực tuyến (LMS) và lớp học ảo, học liệu số và hệ thống kiểm tra tự động. Đại học thông minh cũng sẽ áp dụng quản lý thông minh. Trong đó, hệ thống quản lý đại học số hóa (nhập học, tài chính, điểm danh…). Sinh viên và giảng viên sẽ được hỗ trợ qua chatbot, trợ lý ảo.
Ngoài ra, với mô hình này, cơ sở vật chất của nhà trường cũng là công nghệ hiện đại, thông minh. Hệ thống IoT giúp giám sát và tối ưu không gian học tập, thư viện số với kho tài liệu mở. Cùng với đó, tại đại học học thông minh, sẽ có nhiều các nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, ứng dụng Big Data trong thực tiễn. Đề cao việc hợp tác doanh nghiệp, khởi nghiệp trong môi trường số hóa.

Hệ thống Way Finding tại các cơ sở UEH (hệ thống chỉ dẫn thông minh đến các Giảng đường, Phòng, Ban chức năng và các tuyến xe bus gần nhất) - Ảnh: UEH
Các chuyên gia nhận định, đại học thông minh mang nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó, giúp sinh viên tăng hiệu quả học tập, họ học mọi lúc, mọi nơi với tài nguyên phong phú. Cùng với đó, tối ưu được quản lý, giảm bớt thủ tục giấy tờ, nâng cao hiệu suất. Đặc biệt, mô hình này sẽ giúp sinh viên có thể phát triển toàn diện nhờ kết hợp giữa lý thuyết và thực tế với công nghệ tiên tiến. Mô hình này đang được nhiều trường đại học trên thế giới và tại Việt Nam áp dụng để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đánh giá, một trong những ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
“Để đạt được mục tiêu trên cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở của mô hình giáo dục đại học thông minh. Vì thế, trong thời gian sắp tới, sự chuyển đổi từ mô hình giáo dục đại học truyền thống sang mô hình giáo dục đại học thông minh cần được các trường đại học xem là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình”, ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.
Tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”.
Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”.