Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến

Viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng thực tiễn.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định số 1399/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến trực thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Sự ra đời của Viện không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của Đại học Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và vật liệu tiên tiến tại Việt Nam.

 Dự án xây dựng Viện và Trung tâm nghiên cứu liên ngành tại Hòa Lạc

Dự án xây dựng Viện và Trung tâm nghiên cứu liên ngành tại Hòa Lạc

Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến được thành lập với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ bán dẫn, vật liệu mới phục vụ công nghiệp điện tử, công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan. Viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng thực tiễn.

Viện sẽ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chú trọng vào các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về vật liệu bán dẫn, vật liệu nano, vật liệu tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng cao. Đồng thời là điểm đến, cầu nối gắn kết trong hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn cho đất nước. Là điểm giao thoa liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và vật liệu mới. Viện cũng sẽ là đầu mối kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học vật liệu và công nghệ bán dẫn, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và sản xuất vật liệu tiên tiến trong khu vực.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo nhấn mạnh, các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) toàn diện sẽ được triển khai để kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao bao gồm: Nghiên cứu khoa học; Ươm tạo, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Tiếp nhận, chuyển giao tri thức; Tư vấn xây dựng dự án nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực liên quan; Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; Cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ tư vấn khoa học và công nghệ; Cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ thường xuyên cho các tổ chức trong và ngoài nước; Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng.

Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến tập trung vào các hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu: Công nghệ bán dẫn & vi mạch như Thiết kế, chế tạo vi mạch tích hợp (IC) tiên tiến; Công nghệ MEMS/NEMS cho cảm biến thông minh, hệ thống vi cơ điện tử; Công nghệ chip AI, điện toán lượng tử, vi xử lý tiết kiệm năng lượng. Lĩnh vực Vật liệu tiên tiến gồm Vật liệu nano và vật liệu 2D (graphene, MoS₂, phosphorene) cho ứng dụng điện tử, y sinh, năng lượng. Vật liệu quang điện (perovskite, OLED, QLED) phục vụ màn hình hiển thị, năng lượng mặt trời thế hệ mới. Siêu vật liệu, vật liệu siêu dẫn cho viễn thông, quốc phòng và y học.

 Hệ thống phòng sạch tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Hệ thống phòng sạch tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Mô hình hoạt động của Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến không chỉ tập trung vào nghiên cứu lý thuyết mà còn xây dựng một hệ sinh thái tích hợp giữa nghiên cứu – ứng dụng – đào tạo. Nơi để các nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội có môi trường để phát triển nghiên cứu và đưa sản phẩm nghiên cứu sớm ra thực tiễn theo nhu cầu của thị trường. Viện sẽ chú trọng vào nghiên cứu khoa học đỉnh cao, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất chip bán dẫn, vật liệu nano tiên tiến, pin thế hệ mới, cảm biến thông minh. Không dừng lại ở nghiên cứu, đào tạo, Viện sẽ là nơi ứng dụng thực tiễn và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua việc xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm thử nghiệm, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm, khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn và vật liệu mới tại Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Phó giáo sư Trương Ngọc Kiểm cho biết, hệ sinh thái nghiên cứu – thí nghiệm – ứng dụng hoàn chỉnh ngay tại Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, đảm bảo khả năng triển khai các dự án nghiên cứu và thử nghiệm quy mô lớn. Trang thiết bị tiên tiến phục vụ nghiên cứu và chế tạo vật liệu bán dẫn, bao gồm: Hệ thống chế tạo và thử nghiệm chip, vi mạch; Phòng thí nghiệm vật liệu nano, vật liệu 2D, vật liệu quang điện; Hệ thống phân tích, mô phỏng tiên tiến hỗ trợ nghiên cứu vật liệu và linh kiện điện tử; Mô hình phòng thí nghiệm mở (Open Lab) tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp, startup cùng khai thác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Linh Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-thanh-lap-vien-ban-dan-va-vat-lieu-tien-tien-post250247.gd
Zalo