Đại học Đà Nẵng: Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đột phá về chất lượng nghiên cứu khoa học

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia. Đây thực sự là 'chìa khóa vàng' để đất nước ta phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số. 'Bối cảnh mới có thể nói là thời cơ, vận hội lớn cho giáo dục đại học (ĐH) nói chung và ĐH Đà Nẵng nói riêng'- PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định.

Để phấn đấu thực hiện nhiệm vụ lớn phát triển thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW và Kết luận số 79/KL-TW của Bộ Chính trị, ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng đột phá, nâng cao chất lượng hoạt động KHCN và ĐMST gắn liền với chuyển đổi số. “Đòn bẩy” là dựa trên nền tảng đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Gặp mặt đầu Xuân, vinh danh các tân GS, PHS, TS là hoạt động truyền thống, tốt đẹp được ĐH Đà Nẵng tổ chức thường niên.

Gặp mặt đầu Xuân, vinh danh các tân GS, PHS, TS là hoạt động truyền thống, tốt đẹp được ĐH Đà Nẵng tổ chức thường niên.

Hơn 15 năm trước, ĐH Đà Nẵng từng tiên phong, khởi xướng mô hình các nhóm nghiên cứu - giảng dạy (TRT) gắn kết hai nhiệm vụ chính trong trường ĐH đó là giảng dạy và NCKH. Đến nay, nhiều nhóm TRT thuộc các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đã trở thành lực lượng nòng cốt để tiếp tục hình thành nên các nhóm nghiên cứu mạnh. Nhờ phát huy tính kết nối tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, gắn kết liên ngành trong hoạt động KHCN và ĐMST, các nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng hợp lực, đủ sức đảm nhận các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành, tỉnh, thành và tương đương, bao gồm các dự án nghiên cứu chung với các nhà khoa học uy tín quốc tế.

Điển hình như Viện KHCN tiên tiến ĐH Đà Nẵng quy tụ các nhóm nghiên cứu đang được giao chủ trì, triển khai nhiều đề tài thuộc các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Đó là: dự án “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm và hỗ trợ ứng cứu nguy cơ đuối nước tại các bãi tắm biển” (Chương trình KHCN cấp Quốc gia về “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”); dự án “Nghiên cứu tổng hợp chất điện li muối kim loại kiềm nóng chảy ở nhiệt độ thấp và vật liệu điện cực có cấu trúc Mxenes để chế tạo pin dual-ions (DIB) hiệu năng cao” (Chương trình KHCN cấp quốc gia về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Công nghệ vật liệu”); dự án “Nghiên cứu công nghệ điện phân sản xuất hydro trực tiếp từ nước biển sử dụng xúc tác điện hóa Ru/MoO3 trên bọt Nickel” (Chương trình KHCN cấp quốc gia về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”)…

Theo PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHCN tiên tiến ĐH Đà Nẵng, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà khoa học, các đề tài nghiên cứu này không những có ý nghĩa khoa học, bắt kịp xu thế công nghệ 4.0 mà còn có tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cấp thiết, đem lại hiệu quả thiết thực để phục vụ cộng đồng.

ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học góp phần phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học góp phần phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ĐH Đà Nẵng phát huy đội ngũ trí thức tham gia góp ý, tổng kết, xây dựng và tham vấn các chủ trương chính sách lớn với các cơ quan trung ương và địa phương. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng chủ động thực hiện các Báo cáo kinh tế thường niên thành phố Đà Nẵng, qua đó dự báo, đề xuất giải pháp cho các kịch bản tăng trưởng (từ năm 2022 đến nay).

Bằng việc kiên trì chủ trương quyết liệt cử giảng viên trẻ phải đi đào tạo ở nước ngoài (từ Đại hội Đảng bộ ĐHĐN lần thứ III, nhiệm kỳ 2005 - 2010), đến nay, ĐH Đà Nẵng đã “hái quả ngọt” mỗi năm tăng thêm gần 100 tân giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), tiến sĩ (TS) từ các nguồn như đào tạo, bổ nhiệm và tuyển dụng mới, thu hút chuyên gia, giảng viên quốc tế, trong đó đặc biệt là đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, ĐH Đà Nẵng chỉ đạo các trường thành viên có các chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp, nhất là không ngừng hoàn thiện môi trường, điều kiện làm việc, dạy - học và nghiên cứu đậm chất nhân văn, sư phạm. Điển hình như Trường Y Dược tận dụng các nguồn lực, cơ chế tự chủ, gắn kết trường - viện để có chính sách mời các nhà khoa học như các y bác sĩ giàu kinh nghiệm ở các bệnh viện lớn trên địa bàn tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Trường.

Nhờ đó, đến nay, ĐH Đà Nẵng đã phát triển được đội ngũ gần 2.600 cán bộ, giảng viên, trong đó có 08 Giáo sư, 133 Phó Giáo sư và 796 TS khoa học/TS. Tỷ lệ giảng viên có trình độ TS đạt gần 50% (so với bình quân chung của cả nước là khoảng 32%), trong đó Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng có tỷ lệ cao nhất (đạt gần 70%). Đây chính là vốn quý để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH.

Với Thông điệp đầu Xuân: “Năm mới - Khí thế mới - Quyết tâm mới - Tư duy mới - Cách làm mới - Đưa ĐH Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới”, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, nhà trường tiếp tục phát triển hài hòa giữa nghiên cứu hàn lâm, đẩy mạnh công bố quốc tế (trên các tạp chí uy tín thế giới WoS/Scopus) với nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao. Cùng với đó, tăng cường gắn kết với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài chính quốc tế… để ĐH Đà Nẵng thực sự là “địa chỉ tin cậy”, xứng đáng với lựa chọn của xã hội, của phụ huynh và học sinh; đóng góp vào sự phát phát triển kinh tế- xã hội của miền Trung- Tây Nguyên và đất nước, đóng góp vào “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Hải Đăng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/dai-hoc-da-nang-no-luc-doi-moi-sang-tao-dot-pha-ve-chat-luong-nghien-cuu-khoa-hoc-i758601/
Zalo