Đại đức Thích Nhuận Đức quỳ, đọc thư sám hối chư tăng và xin lỗi đồng bào Khmer

Trước chư vị giáo phẩm đặc trách các hệ phái, Đại đức Thích Nhuận Đức đã quỳ, đọc thư sám hối các chư Tăng, xin lỗi đồng bào Khmer và mong được tha thứ.

Liên quan tới các phản ánh, bức xúc của dư luận, đặc biệt từ bà con Khmer về những lời, thái độ khiếm nhã của Đại đức Thích Nhuận Đức trong một video năm 2023, ngày 9/7, sau khi xem xét, hội ý với chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo Nam tông Khmer, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất quyết định gia tăng hình thức kỷ luật đối với vị này.

Theo đó, chư vị giáo phẩm đặc trách các hệ phái đã thống nhất cấm Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng vô thời hạn, dưới mọi hình thức.

Đồng thời, Đại đức Thích Nhuận Đức phải thành tâm sám hối với Trung ương Giáo hội và hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, xin lỗi đồng bào và Phật tử Khmer.

Giáo hội cũng yêu cầu Đại đức Thích Nhuận Đức thực hiện biệt chúng sám hối đúng Luật Phật chế định. Thời hạn thực hiện việc sám hối cũng sẽ được áp dụng không thời hạn cho đến khi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có chỉ đạo thay đổi biện pháp sám hối.

Đại đức Thích Nhuận Đức quỳ, đọc thư sám hối trước chư vị giáo phẩm đặc trách các hệ phái (Ảnh cắt từ clip).

Đại đức Thích Nhuận Đức quỳ, đọc thư sám hối trước chư vị giáo phẩm đặc trách các hệ phái (Ảnh cắt từ clip).

Tại chùa Candaransi (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), Đại đức Thích Nhuận Đức quỳ, sám hối trước chư vị giáo phẩm đặc trách các hệ phái, nói lời xin lỗi đồng bào dân tộc Khmer và mong được tha thứ.

“Con là Nhuận Đức, hôm nay xin thành tâm sám hối quý ngài về tội thuyết giảng không ái ngữ, đã có lời khiếm nhã đến đồng bào dân tộc Khmer, con xin thành tâm sám hối. Cầu mong quý chư tôn đức và đồng bào phật tử Khmer hoan hỉ, tha thứ lỗi lầm này cho con”, Đại đức Thích Nhuận Đức nói.

Sau lời sám hối của Đại đức Thích Nhuận Đức, Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương, đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer thay mặt chư vị giáo phẩm đã có lời giáo giới nghiêm khắc đối với Đại đức Thích Nhuận Đức. Hòa thượng cho rằng, Đại đức Nhuận Đức phải thật tâm sám hối, làm con người có ích cho đất nước, xã hội.

“Tận đáy lòng của con thành tâm sám hối, không có một chút gì buồn giận cả. Trước Phật, trước các Ngài con thành tâm sám hối. Nhờ những lời dạy này của các Ngài mà con trở thành người tu sau này được lợi ích tốt đẹp hơn”, Đại đức Thích Nhuận Đức bày tỏ.

Đại đức Thích Nhuận Đức quỳ nghe lời giáo giới (Ảnh cắt từ clip)

Đại đức Thích Nhuận Đức quỳ nghe lời giáo giới (Ảnh cắt từ clip)

Có thể thấy, việc cấm thuyết giảng và thực hiện sám hối vô thời hạn đối với Đại đức Thích Nhuận Đức đã cho thấy quyết tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc duy trì kỷ cương và trật tự trong tổ chức tôn giáo. Hành động kịp thời đó của Giáo hội còn giúp duy trì kỷ luật nội bộ và ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực không đúng với giáo pháp, giáo luật, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà Phật, đặc biệt trong hoạt động thuyết pháp, giảng pháp cũng như không để các đối tượng xấu, thế lực phản động lợi dụng để gây chia rẽ tôn giáo.

Trước đó, ngày 6/6, Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thông báo về hình thức kỷ luật với Đại đức Thích Nhuận Đức do những video thuyết giảng, nghi lễ bị phản ánh phản cảm trên không gian mạng.

Các phát ngôn và thuyết giảng này làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với Phật giáo và Giáo hội. Do đó, Đại đức Thích Nhuận Đức bị nghiêm cấm không được thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm.

Bên cạnh đó, Đại đức Thích Nhuận Đức phải sám hối chư Tăng và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời bị kỷ luật biệt chúng tổ đình Hộ Pháp (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đại đức Thích Nhuận Đức có tên thế danh là Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1980, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), xuất gia tu học tại chùa Giác Nguyên (An Giang) vào năm 1999. Đại đức Thích Nhuận Đức hiện là thành viên chúng của Tổ đình Hộ Pháp.

Nguyễn Thừa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-duc-thich-nhuan-duc-quy-doc-thu-sam-hoi-chu-tang-va-xin-loi-dong-bao-khmer-331922.html
Zalo