Đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn của ý chí, niềm tin, sức mạnh để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân - nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: TTXVN.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”(1). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ sức mạnh lớn nhất của cách mạng Việt Nam là nằm ở nhân dân và nếu đoàn kết được nhân dân thì sẽ tạo ra được sức mạnh vô địch: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(3). Người cũng khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”(4).

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, là đường lối chiến lược của Đảng; là cội nguồn sức mạnh, là giá trị cốt lõi và động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trên cơ sở đánh giá đúng đắn, toàn diện kết quả đã đạt được, chỉ rõ khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra mục tiêu nhằm tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 43-NQ/TW cũng đề ra 7 giải pháp cụ thể, bao gồm: 1- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; 2- Hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước; 3- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; 4- Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; 5- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân; 6- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; 7- Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, ngọn cờ lý luận của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và cho ra mắt cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc thể hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương của Đảng về vai trò của nhân dân, về thực hành dân chủ, dựa vào dân để xây dựng Đảng và Nhà nước; về truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế tục sự nghiệp vẻ vang của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định nhiệm vụ: “Đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân”, “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến gặp mặt các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024. Ảnh: TTXVN.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến gặp mặt các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong hơn 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, con thuyền cách mạng Việt Nam đã lập nên nhiều kỳ tích, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào tốp 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong tốp 20 quốc gia hàng đầu trên thế giới. Từ một đất nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả nước lớn và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đạt được những thành tựu vĩ đại nêu trên là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng; sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, trong suốt 94 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử. Với thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tổ chức nòng cốt trong phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong đời sống xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, cùng với thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục phát huy vai trò là nòng cốt chính trị trong tổ chức vận động, tập hợp, quy tụ các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận ngày càng cao trong xã hội; có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; sâu sát với cơ sở; đa dạng hóa hình thức vận động nhân dân, lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân làm trọng tâm, góp phần giải quyết nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đoàn kết nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.

Phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” là minh chứng sinh động cho phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đã huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Kết quả đạt được đã khẳng định sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, hưởng ứng, chung tay của các cơ quan, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người Việt Nam ở trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân người nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là một thực tiễn sinh động, minh chứng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Một lần nữa khẳng định chân lý bất hủ “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát.

Một minh chứng nữa phải kể đến là truyền thống tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam được phát huy mạnh mẽ trước thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (xảy ra vào tháng 9-2024) gây ra đối với đồng bào 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam đã cùng nhau sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão, lũ, khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân. Thông qua tài khoản tiếp nhận của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương, đã tiếp nhận số tiền ủng hộ lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời việc công khai, minh bạch nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, biểu dương lớn từ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, nhân lên gấp bội tình đồng chí, nghĩa đồng bào thảo thơm, ấm áp.

Thắm tình quân dân. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn.

Thắm tình quân dân. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn.

Để tiếp tục kế thừa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong các ngày 16, 17, 18-10-2024, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã hoàn thành nội dung đề ra và thành công tốt đẹp. Đại hội là biểu tượng sinh động, đẹp đẽ nhất, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha ông dày công xây dựng, vun đắp bằng mồ hôi, xương máu, bằng sự nhọc nhằn hy sinh, bằng ý chí, niềm tin, khát vọng của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình; máu xương của những người con đất Việt đã hòa vào lòng đất mẹ thành những viên gạch bằng vàng xây dựng nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Bởi vậy, không thế lực thù địch nào có thể chia rẽ được khối đại đoàn kết của chúng ta. Đại hội cũng tiếp thu và quyết tâm triển khai gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm để phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đoàn kết các giai tầng, cá nhân tiêu biểu, phát huy cao độ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động, bảo đảm thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chủ động hoạt động đối ngoại nhân dân; kiên quyết bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nhân dân hiểu, đồng lòng, đồng tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải là hạt nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần chủ động, tích cực có giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Phát hiện, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, huy động nhà hảo tâm kịp thời hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở. Tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân, thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tiếng lòng của nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp. Làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, nhất là vấn đề “quốc kế dân sinh”. Tham gia hiệu quả và động viên nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí và tham nhũng, tiêu cực. Trước mắt tích cực tham gia công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước chất lượng cao, thiết thực, với sự hài lòng của nhân dân; thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Phương thức vận động, tập hợp của tổ chức Mặt trận Tổ quốc phải đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động về nội dung, trở thành diễn đàn quần chúng, nơi các tầng lớp nhân dân thuộc các giới, giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... gặp gỡ, trao đổi thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, đối thoại dân chủ, cởi mở. Tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của nhà khoa học, chuyên gia, cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, yêu dân, là tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tin tưởng, trong thời gian tới, các giai cấp, giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ nêu cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đóng góp trí tuệ, công sức để không ngừng củng cố, tăng cường truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đồng lòng, chung sức “Đã bàn là thông, đã đi là đến, đã quyết cả nước một lòng” dựng xây đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; phát huy mạnh mẽ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức; chung lo vận mệnh của đất nước, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

ĐỖ VĂN CHIẾN (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

____________

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 244
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 453
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 119

Theo Tạp Chí Cộng sản

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dai-doan-ket-toan-dan-toc-coi-nguon-cua-y-chi-niem-tin-suc-manh-de-xay-dung-bao-ve-to-quoc-trong-ky-nguyen-moi-10299835.html
Zalo