Đại dịch của những người chưa tiêm vaccine Covid-19 ở Đức

Từng là một hình mẫu chống dịch của thế giới, Đức đang phải đối chọi với làn sóng Covid-19 mới và trầm trọng nhất kể từ trước đến nay.

Một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp của chính phủ nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19 ở Leipzig, Đức. (Nguồn: AFP)

Một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp của chính phủ nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19 ở Leipzig, Đức. (Nguồn: AFP)

Bệnh viện trường Đại học Giessen, một trong những bệnh viện phổi hàng đầu của nước Đức, đã quá tải trong nhiều tuần qua. Nguyên nhân là số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng gấp ba lần. Hơn một nửa số bệnh nhân phải thở máy trong các phòng chăm sóc tích cực (ICU). Đặc biệt, tất cả bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đó đều chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine ngừa Covid-19 nào.

Đối với Đức, đây là một bước ngoặt tiêu cực bất ngờ. Bởi khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Đức trở thành “hình mẫu” chống dịch với tỷ lệ tử vong ở mức thấp so với phần còn lại của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel, một nhà khoa học được đào tạo bài bản, Đức đã triển khai một chiến dịch xét nghiệm và điều trị rộng rãi, tăng cường khả năng phòng dịch của đội ngũ y tế. Người dân rất tin tưởng về khả năng chống dịch của đất nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định giãn cách xã hội.

Thế nhưng, tất cả thành tựu đó đang chuẩn bị sụp đổ. Làn sóng Covid-19 thứ tư đang bùng phát mạnh mẽ, số ca mắc hằng ngày liên tục lập kỷ lục mới, khiến Đức nhiều khả năng phải căng mình chống chọi lại với một “mùa Đông đen tối”.

Vì đâu nên nỗi?

Có nhiều yếu tố thúc đẩy làn sóng Covid-19 mới tại Đức, bao gồm sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta, nhiệt độ thấp của mùa Đông, chậm trễ triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường…

Theo ông Ralf Reintjes, nhà dịch tễ học tại Đại học Khoa học Ứng dụng ở Hamburg, tác dụng của liều vaccine thứ hai ở phần lớn những người tham gia đợt tiêm chủng đầu tiên từ cuối năm 2020 đến đầu năm nay đã bắt đầu giảm dần.

Ngoài ra, việc chính phủ nước này đang trong quá trình chuyển giao cũng phần nào khiến cho các nỗ lực phòng dịch bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn từng cảnh báo: “Những gì chúng ta đang trải qua là đại dịch của những người chưa tiêm chủng”.

Sau khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Merkel đang chuẩn bị cho việc chuyển giao chính phủ mới. Trong khi đó, người nhiều khả năng kế nhiệm bà, lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) Olaf Scholz vẫn chưa thể hoàn thành những cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới.

Tuy nhiên, các nhà virus học và các chuyên gia về đại dịch nói rằng, chính những người chưa được tiêm chủng đang khiến làn sóng Covid-19 mới tạo gánh nặng cho các bệnh viện trên khắp đất nước. Phần lớn theo phong trào “anti-vaccine” (chống tiêm chủng), cũng như theo phe đối lập với chính phủ của bà Merkel, chủ yếu đến từ các bang ở phía Đông.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn từng cảnh báo: “Những gì chúng ta đang trải qua là đại dịch của những người chưa tiêm chủng”.

Ông Markus Soder, Thống đốc bang Bavaria cho rằng, nước Đức đang tồn tại “hai loại virus” - đó là SARS-CoV-2 và “thông tin độc hại” từ chính những người bài xích vaccine.

Cần tăng tốc tiêm chủng

Đức là một trong những nước đầu tiên tại châu Âu khởi động chiến dịch tiêm chủng song hiện tỷ lệ bao phủ vaccine của Đức đã tụt xuống dưới các nước EU khác. Chỉ 67% dân số Đức được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn so với mức 87% ở Bồ Đào Nha, 83% ở Malta, 81% ở Iceland và 80% ở Tây Ban Nha.

Ví dụ điển hình là thị trấn Pirna tại bang Sachsen. Thị trấn chưa đầy 40.000 người này từng chứng kiến làn sóng phản đối vaccine dữ dội vào những ngày cuối cùng của đợt phong tỏa. Sachsen sau đó trở thành bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.

Số ca mắc Covid-19 mới tính trên đầu người tại đây hiện cũng đang ở ngưỡng cao nhất cả nước. Thị trưởng của Pirna, ông Klaus-Peter Hanke cho biết: “Mức độ người dân sẵn sàng đi tiêm chủng ở đây rất thấp. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết bằng đối thoại nhưng không có tiến triển”.

Trước tình hình này, hôm 9/11, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Đức Christian Drosten cho biết, có khả năng 100.000 người sẽ chết nếu quốc gia này không làm gì để ngăn dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia về y tế đã nhiều lần khẳng định, vaccine ngừa Covid-19 chính là thứ vũ khí tốt nhất để giúp sớm chấm dứt đại dịch dai dẳng này.

Nhưng không giống các quốc gia châu Âu khác, Đức chỉ yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với những đối tượng lao động nhất định và đang phải ra sức thuyết phục người dân tự nguyện tiêm chủng.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức khẩn thiết kêu gọi tất cả những người chưa tiêm vaccine Covid-19 hãy cân nhắc lại lập trường vì lợi ích của xã hội.

Bà Merkel nói: “Nếu chúng ta thể hiện sự đoàn kết, nghĩ đến việc bảo vệ bản thân và quan tâm đến người khác, chúng ta có thể giúp đỡ đất nước của mình rất nhiều trong mùa Đông lạnh giá, thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh”.

Thủ tướng Đức cũng ủng hộ việc tăng cường tiêm liều thứ ba, nhấn mạnh rằng đây là “cơ hội thực sự để phá vỡ làn sóng dịch mới này”.

Đối mặt với một viễn cảnh vô cùng căng thẳng do làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19, có lẽ, Đức sẽ cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm nhanh chóng tăng cường độ bao phủ vaccine trên toàn quốc.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-dich-cua-nhung-nguoi-chua-tiem-vaccine-covid-19-o-duc-165354.html
Zalo