'Đại dịch' cô đơn và những cú lừa bạc tỷ
Khi con người ngày càng cô đơn và AI tạo sinh trở thành cánh tay đắc lực của tội phạm mạng, 'đại dịch' cô đơn đã trở thành một cuộc khủng hoảng bảo mật trầm trọng.
Sự cô đơn chưa bao giờ nghiêm trọng đến như thế. Bên cạnh những tổn hại về sức khỏe tinh thần, nó còn trở thành mối đe dọa thực sự với bảo mật.
Lợi dụng tâm lý cô đơn của con mồi, tội phạm mạng đang triển khai một trong những trò lừa đảo nguy hiểm nhất hiện nay: lừa tình.
Khi quy trình ngày càng chuyên nghiệp và được tiếp sức bằng công nghệ hiện đại, lừa tình hoàn toàn có thể thực hiện trên quy mô khổng lồ.
Kẻ tấn công xây dựng quan hệ, tạo dựng niềm tin với mục tiêu qua ứng dụng hẹn hò hoặc mạng xã hội. Chatbot AI được dùng để lên kịch bản, tình huống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Với dân số độc thân không ngừng gia tăng, các nhà nghiên cứu tin rằng, công nghệ tự động hóa sẽ giúp kẻ lừa đảo như hổ mọc thêm cánh.

Các nạn nhân của lừa tình thiệt hại hàng trăm triệu USD chỉ tính riêng tại Mỹ. Ảnh: FBI
Theo Fangzhou Wang, trợ lý giáo sư nghiên cứu tội phạm mạng tại Đại học Texas, các hình thức lừa đảo này ngày càng có tổ chức hơn.
Chúng tuyển dụng nhân sự từ khắp nơi trên thế giới, nhắm vào đủ loại nạn nhân. Ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ cho kẻ lừa đảo.
Tại Mỹ, nạn nhân của lừa tình báo cáo thiệt hại gần 4,5 tỷ USD trong 10 năm qua, theo phân tích từ các báo cáo tội phạm mạng thường niên của FBI.
Trong 5 năm, tính đến cuối năm 2023, mỗi năm lừa tình lại gây tổn thất khoảng 600 triệu USD, từ năm 2021 khi con số lên tới gần 1 tỷ USD.
Các trò lừa tình đều diễn ra qua mạng, khi tội phạm gửi tin nhắn Facebook đến hàng trăm con mồi một lúc, hoặc ghép đôi với mọi hồ sơ tìm được trên ứng dụng hẹn hò.
Dù tội phạm hoạt động ở khắp nơi, từ Yahoo Boys ở Tây Phi đến những trại lừa đảo ở Đông Nam Á, chúng đều tuân theo một cẩm nang để tạo ra sự gắn bó về mặt cảm xúc với nạn nhân.
Elisabeth Carter, Phó giáo sư tội phạm học tại Đại học Kingston London, gọi lừa tình là trò lừa đảo “tàn khốc nhất” mà một người gặp phải.
Hẹn hò trực tuyến đã trở thành câu chuyện hàng ngày của xã hội hiện đại. Theo trợ lý Wang, bà đã nhìn thấy bằng chứng về việc kẻ lừa đảo dùng AI tạo sinh để sản xuất nội dung cho các hồ sơ qua mạng.
Một số băng nhóm tại Đông Nam Á đã viết công cụ AI cho hoạt động lừa đảo của mình. Tháng 10/2024, báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, tội phạm có tổ chức đã “viết kịch bản cá nhân hóa để lừa nạn nhân trong khi liên lạc theo thời gian thực bằng hàng trăm ngôn ngữ”.
Còn theo Google, email lừa đảo gửi đến các doanh nghiệp đang được viết bằng AI. FBI cũng lưu ý, AI cho phép tội phạm mạng nhắn tin cho nạn nhân nhanh chóng hơn.
Tội phạm mạng dùng hàng loạt chiêu thức thao túng để khiến nạn nhân mắc bẫy và xây dựng các mối quan hệ lãng mạn. Chúng bao gồm hỏi những câu hỏi thân mật mà chỉ người bạn tâm giao mới hỏi, chẳng hạn về lịch sử hẹn hò hay các mối quan hệ.
Chúng còn tạo ra sự gần gũi từ kỹ thuật “dội bom tình yêu”, thể hiện tình cảm cuồng nhiệt để đẩy nhanh tiến độ. Khi quan hệ dần tiến triển, chúng sẽ thường gọi nạn nhân là bạn trai, bạn gái, vợ, chồng...
Phó giáo sư Carter nhấn mạnh, chiến thuật cốt lõi mà kẻ lừa tình sử dụng là đóng vai người dễ bị tổn thương, bất hạnh. Đôi khi chúng còn tự nhận mình từng bị lừa và cảnh giác với việc tin tưởng người khác, tạo cảm giác chúng không phải kẻ lừa đảo.
Điều đó sẽ rất hữu ích khi tiến đến giai đoạn lừa tiền. Chúng sẽ giải thích đang gặp vấn đề tiền bạc trong làm ăn, rồi biến mất và quay trở lại vài tuần sau đó.
Nạn nhân có thể muốn giúp đỡ và chủ động tiếp cận để gửi tiền. Kẻ lừa đảo ban đầu sẽ không đồng ý và thuyết phục nạn nhân không chuyển tiền cho mình, tất cả chỉ để thao túng tâm lý nạn nhân.
Ngôn ngữ của kẻ lừa tình khá giống với những kẻ bạo hành gia đình, theo Carter.
Trong nhiều trường hợp, thủ phạm đã thành công lừa tình những người đang vật lộn với sự cô đơn, theo Brian Mason, một cảnh sát tại Alberta, Canada.
Khi làm việc với những nạn nhân bị lừa đảo, rất khó để thuyết phục họ rằng, người mà họ đang nói chuyện không yêu họ.
Thậm chí, trong một vụ việc, nạn nhân đã liên lạc lại với kẻ lừa tình, tiếp tục chuyển tiền chỉ để nhìn thấy ảnh của người đó vì cô ấy cô đơn. Cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố mức độ cô đơn cao là mối đe dọa với sức khỏe của mọi người.
Sự kỳ thị và xấu hổ là nguyên nhân chính khiến nạn nhân khó chấp nhận được thực tế họ gặp phải. Carter lưu ý, kẻ tấn công khai thác tâm lý này khi nói với nạn nhân rằng, không nên tiết lộ cuộc trò chuyện cho người khác vì mối quan hệ quá đặc biệt và sẽ không ai có thể hiểu được.
Duy trì quan hệ bí mật, kết hợp với các chiêu thức khác để lừa nạn nhân chuyển tiền thay vì xin tiền của nạn nhân, khiến ngay cả những người thận trọng nhất cũng khó nhận biết được rằng, họ đang bị thao túng.
Theo Carter, nạn nhân không chỉ bị mất rất nhiều tiền mà còn bị chính người mà họ yêu và tin tưởng nhất lừa. “Vì chúng diễn ra trên mạng, vì hoàn toàn là giả, không có nghĩa họ không có cảm xúc thật sự”, bà nói.
(Tổng hợp)