'Đại dịch ACL' đang càn quét giới cầu thủ như thế nào?

Andrea Tartaglia, Giám đốc điều hành Isokinetic London, một phần của Tập đoàn Y tế Isokinetic, cho biết: 'Có một đợt dịch chấn thương ACL khiến nhiều ngôi sao bóng đá phải ngồi ngoài và làm dấy lên nỗi sợ hãi trong các cầu thủ'.

Timber dính chấn thương ACL trong trận ra mắt Premier League cho Arsenal.

Timber dính chấn thương ACL trong trận ra mắt Premier League cho Arsenal.

Nguồn: Getty.

Chấn thương ACL – ác mộng với cầu thủ

Do tính chất của bóng đá, bao gồm nhiều động tác nhảy, vặn người và xoay người, nên chấn thương đầu gối là một tai nạn phổ biến ở các sân cỏ trên khắp thế giới, từ mọi cấp độ, dù là bóng đá chuyên nghiệp hay bóng đá phủi.

Trong chấn thương đầu gối, phổ biến nhất là chấn thương dây chằng chéo trước (còn được gọi là chấn thương ACL).

Chấn thương ACL được xem là “chấn thương quốc dân” trong giới thể thao.

Chấn thương ACL được xem là “chấn thương quốc dân” trong giới thể thao.

Nguồn: Internet.

Có thể nói, chấn thương ACL là nỗi ám ảnh với cầu thủ, bởi 4 điểm sau:

Thứ nhất, như đã mô tả, đây là chấn thương dễ gặp nhất trong các loại chấn thương dây chằng đầu gối (so với các dây chằng chéo sau, dây chằng chéo trước không được khỏe và to bằng). Nghiên cứu của Trường Đại học Y Minnesota cũng cho thấy, trung bình có tới 200.000 ca rách ACL được báo cáo mỗi năm ở Mỹ.

Thứ hai, chấn thương ACL khiến cầu thủ mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Để khớp gối quen dần với dây chằng mới, các cầu thủ thường mất từ 6 đến 9 tháng hồi phục. Khoảng thời gian dài hồi phục tương đương với một mùa bóng ở châu Âu, khiến kế hoạch của CLB chủ quản, cũng như của cầu thủ bị phá vỡ. Thậm chí, chấn thương ACL được coi là “hồi chuông báo tử” cho sự nghiệp của một số cầu thủ (trường hợp của David Silva là ví dụ mới nhất).

Thứ ba, dù phục hồi, nhưng hầu hết các cầu thủ, khi trở lại sau chấn thương ACL, đều không thế lấy lại phong độ như trước (đây là lẽ đương nhiên, với một cầu thủ phải nghỉ thi đấu trong khoảng thời gian dài, và ở một vùng rất nhạy cảm với chấn thương như đầu gối). Chúng ta không nên lấy một vài trường hợp trở lại ấn tượng, để phản bác quan điểm này.

Thứ tư, khi đối diện với chấn thương ACL, các cầu thủ rất dễ bị tái phát. Một nghiên cứu trên tạp chí Hà Lan, Elsevier chỉ ra: 15,3% người chơi thể thao trở lại thi đấu trong vòng 7 tháng từ chấn thương ACL, sẽ tái phát. Người chơi bóng đá có nguy cơ tái phát cao nhất, lên tới 20,8%.

“Đại dịch ACL” bùng phát…

Khi phân tích nỗi ám ảnh của chấn thương ACL, tất cả đều mong muốn, giới cầu thủ có hạn chế tối đa chấn thương này. Nhưng trên thực tế, chấn thương ACL đang như một đại dịch bùng phát khắp sân cỏ châu Âu.

Khi Arsenal công bố bản hợp đồng mới Jurrien Timber phải ngồi ngoài một thời gian dài, do chấn thương đầu gối nghiêm trọng trong trận ra mắt Premier League, các “The Gunner” đã đặt ra rất nhiều những hoài nghi, đối với bộ phận y tế của CLB, khi hậu vệ người Hà Lan chỉ mới ký hợp đồng với câu lạc bộ Bắc London vào tháng trước.

Nhưng thực tế, tai họa không chỉ ập đến với các “Pháo thủ”. CLB Hoàng gia Tây Ban Nha, Real Madrid ngay đầu mùa giải cũng mất đi hai ngôi sao, Thibaut Courtois và Eder Militao, khi dính phải chấn thương ACL, trong quá trình tập luyện trước mùa giải.

James khi được trao tấm băng đội trưởng, cũng thể hiện quyết tâm rất lớn với người hâm mộ Chelsea. Nhưng trận đấu với Liverpool ở vòng khai màn còn chưa xong, thì tân thủ quân của Chelsea đã gặp phải chấn thương đầu gối, khiến anh phải nghỉ dài hạn. Và “đợi” James ở khu điều trị ở Chelsea, đang còn có những Christopher Nkunku, Wesley Fofana, những người cũng đang bị chấn thương ACL hành hạ.

Ngày khai màn, giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh còn chứng kiến thêm trường hợp hậu vệ Tyrone Mings của Aston Villa cũng bị dính chấn thương ACL nghiêm trọng.

Tyrone Mings phải phẫu thuật đầu gối sau khi dính chấn thương trong trận đấu của Aston Villa với Newcastle.

Tyrone Mings phải phẫu thuật đầu gối sau khi dính chấn thương trong trận đấu của Aston Villa với Newcastle.

Nguồn: The Telegraph.

Nhìn sang sân chơi của phái đẹp, World Cup nữ ở Úc và New Zealand vừa kết thúc vào chủ nhật, đã có 30 cầu thủ liên quan đến vấn đề ACL, khiến cho họ không thể tham dự, hoặc phải rời cuộc chơi ngoài ý muốn, trong đó bao gồm cả hai ngôi sao của ĐT Anh, Leah Williamson và Beth Mead.

Sự thật vỡ nhẽ, “khoanh vùng đại dịch” ngày càng khó khăn

Nếu coi ACL là một đại dịch đang hoành hành, phải làm cách nào để khoanh vùng nó?

Tất cả chúng ta thường dẫn luận như sau: do cường độ thi đấu dày đặc, nên các cầu thủ dễ bị chấn thương ACL (Pep và Arteta trong những buổi trả lời phỏng vấn gần nhất, cũng phát biểu như vậy, khi những học trò của họ phải đối với chấn thương). Tức, giải pháp ở đây sẽ là, nếu giảm cường độ thi đấu, thì các cầu thủ sẽ hạn chế được chấn thương ACL. Thực tế, quan điểm này vừa đúng, vừa chưa đúng.

Đúng ở chỗ, khi thi đấu nhiều, đương nhiên sẽ va chạm nhiều, thì đồng nghĩa với tỷ lệ rủi ro càng lớn, tai nạn nghề nghiệp càng cao. “Tỷ lệ mắc các loại chấn thương này không thay đổi, nhưng chúng ta có thể thấy chúng phổ biến hơn vì nhiều người tham gia vào các môn thể thao va chạm hơn”, Tiến sĩ Erik Hohmann, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh cũng có kết luận tương đồng.

Nhưng, những báo cáo gần đây cho rằng, cường độ thi đấu không phải là yếu tố lớn nhất, dẫn đến chấn thương ACL.

Theo một nghiên cứu gần đây của Đức, liên quan đến các ca chấn thương dây chằng, nhưng không phải do va chạm, đã cho ra kết quả, gần một nửa (47%) số trường hợp xảy ra trong 15 phút đầu tiên. Tức, việc dính chấn thương dây chằng, không hẳn là do cường độ thi đấu cao.

Làm rõ vấn đề này, bác sĩ phẫu thuật đầu gối, Saket Tibrewal cũng nêu quan điểm: “Chấn thương ACL không thực sự liên quan đến sự mệt mỏi, bởi theo như chúng tôi biết, hầu hết các chấn thương xảy ra trong hiệp một của trận đấu so với hiệp hai”

Những nghiên cứu trên chỉ ra, chấn thương ACL rất khó kiểm soát, và thực tế chưa có một giải pháp hữu hiệu để hạn chế chấn thương. Mà theo cách nói đơn giản của chúng ta bây giờ (dù hơi khó chấp nhận), chấn thương ACL đến là do xui xẻo thôi.

Chúng ta vẫn sẽ hy vọng, ở thời điểm nào đó, có những giải pháp để tìm ra cách bảo vệ các cầu thủ bóng đá khỏi chấn thương ACL. Tuy nhiên, đã quá muộn đối với những người đã và đang lên bàn điều trị loại chấn thương này.

Thắng Nguyễn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao-quoc-te/dai-dich-acl-dang-can-quet-gioi-cau-thu-nhu-the-nao/28447.htm
Zalo