Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10
Ngày 13/9, theo tin chuyển về từ Yerevan của đoàn Việt Nam, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10 chính thức diễn ra từ 12 – 14/9/2024 tại Yerevan, Armenia. Hội nghị với chủ đề ' Tránh những thế hệ lạc lõng: Duy trì giáo dục và việc làm trong mọi hoàn cảnh'. Hội nghị được đồng tổ chức bởi Liên minh Nghị viện thế giới IPU và Quốc hội nước cộng hòa Armenie.
Vinh dự cùng đồng chí Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ khóa XV làm trưởng đoàn Việt Nam; ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lâm Đồng, thành viên nhóm ĐBQH trẻ khóa XV, thành viên đoàn đã tham dự hội nghị và có bài phát biểu. Theo đó đại biểu đã trình bày những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam; Việt Nam đã nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường và chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 và trước những bất ổn toàn cầu. Khả năng thích ứng với biến động toàn cầu và khu vực của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đại biểu cũng chia sẻ một số kinh nghiệm và đế xuất giải pháp hữu ích, nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến với nghị sĩ trẻ các nước.
Báo Lâm Đồng xin trích đăng bài phát biểu của ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh:
Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý!
Tôi rất vinh dự có cơ hội tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10, thay mặt đoàn Quốc hội Việt Nam xin trình bày những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam như sau:
Trước tình hình bất ổn toàn cầu và những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường và chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Khả năng thích ứng với biến động toàn cầu và khu vực của chúng tôi đã được cải thiện đáng kể.
Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là về Chương trình nghị sự 2030. Chỉ số phát triển toàn cầu năm 2023 của Việt Nam là 73,3 điểm và xếp hạng 55/166 quốc gia. Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu về chất lượng giáo dục thành các mục tiêu cụ thể phù hợp với tình hình đất nước, bao gồm: (i) Đảm bảo tất cả trẻ em trai và gái hoàn thành giáo dục tiểu học và trung học miễn phí, công bằng và chất lượng; (ii) Đảm bảo tất cả trẻ em trai và gái được tiếp cận phát triển và giáo dục mầm non chất lượng; (iii) Cung cấp tiếp cận bình đẳng cho tất cả nam và nữ vào giáo dục kỹ thuật, nghề và đại học với chất lượng và giá cả phải chăng; (iv) Tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và giáo dục đại học với chất lượng và giá cả phải chăng; (iv) Loại bỏ sự chênh lệch về giới trong giáo dục và đảm bảo công bằng ở mọi cấp độ; (v) Tăng đáng kể số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; (vi) Đảm bảo tất cả thanh thiếu niên và một phần lớn người lớn, bao gồm nam và nữ, đạt được mức độ biết chữ; (vii) Đảm bảo tất cả người học đạt được kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong thập kỷ 2011-2020, đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam tăng đều, chiếm hơn 18% ngân sách nhà nước, tương đương 4,9% GDP. Lực lượng lao động tăng nhanh, từ 50,47 triệu người năm 2010 lên 52,4 triệu người năm 2024, với hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Chất lượng lực lượng lao động Việt Nam cũng dần được cải thiện, với sự tăng trưởng đáng kể về năng suất lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực trí tuệ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Ngoài những thành tựu đã đạt được, Việt Nam còn gặp một số khó khăn, bao gồm: (i) Các chính sách xã hội chưa bao phủ hết các nhóm mục tiêu; (ii) Tăng trưởng kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức; (iii) Ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh chóng; (iv) Huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển gặp nhiều khó khăn; (v) Cơ sở Dữ liệu theo dõi, đánh giá và giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vừng còn hạn chế.
Chúng tôi muốn chia sẻ một số bài học kinh nghiệm từ Việt Nam như sau:
Thứ nhất, các chính sách toàn diện về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã được ban hành cùng với các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo việc thực hiện SDG là nhiệm vụ thường xuyên với báo cáo định kỳ.
Thứ hai, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 2021-2030 đã tích hợp toàn diện các mục tiêu phát triển bền vững, đặt trọng tâm vào các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em và phụ nữ, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ ba, việc thực hiện phát triển bền vững có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và xã hội.
Thưa quý vị!
Ngày 24 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ban hành Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển một thế hệ thanh niên Việt Nam toàn diện, yêu nước, có lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, có lý tưởng cách mạng, hoài bão và khát vọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Từ Tuyên bố của Hội nghị toàn cầu lần thứ 9 của nghị sĩ trẻ tại Hà Nội năm ngoái, chúng ta đều nhận thấy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là một trong những vấn đề then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt đối với giáo dục. Các hệ thống giáo dục của các quốc gia cần có mạng lưới mạnh mẽ để tối ưu hóa tiềm năng và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần ưu tiên việc cung cấp các hoạt động giáo dục linh hoạt và toàn diện hơn.
Với tinh thần trách nhiệm và sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), đoàn Việt Nam đề xuất các vấn đề để chúng ta cùng thảo luận tại các Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10 với chủ đề giáo dục hôm nay: (i) Cải thiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến đảm bảo giáo dục cho thanh niên; (ii) Nâng cao công tác phổ biến chính sách và pháp luật; (iii) Tăng cường các dịch vụ và hoạt động hỗ trợ cho thanh niên; (iv) Đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện chiến lược; (v) Hướng dẫn, giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược.
Kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn!