Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh: Cần có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong quảng cáo
Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn… Trẻ em đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi và xâm nhập, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các em. Trong kỷ nguyên số, trẻ em đang phải đối mặt với một "đại dương" quảng cáo khổng lồ. Các thuật toán thông minh không ngừng phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân hóa, vô hình chung tạo ra một áp lực lớn lên tâm lý của các em. Nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với quảng cáo có thể dẫn đến các vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý.
Để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, chúng ta cần có những hành động quyết liệt hơn. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn. Một số vấn đề đáng chú ý hiện nay như: Quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là các quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thống. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt qua giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về "quảng cáo nhắm vào trẻ em", bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và gián tiếp; chi tiết hóa các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Góp ý về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền (Điều 22), đại biểu bày tỏ quan điểm đồng ý với loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đối với thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền là 5%. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường truyền thông mặc dù việc tăng thời lượng quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các nhà đài, tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nhiều phiền toái và bất tiện hơn. Việc tăng thời lượng quảng cáo sẽ làm giảm trải nghiệm của người xem, mặc dù xem trên kênh truyền hình do chính mình trả tiền. Việc liên tục bị ngắt quãng bởi các đoạn quảng cáo sẽ làm giảm sự tập trung và hứng thú của người xem đối với chương trình đang theo dõi. Điều này đặc biệt đúng với các chương trình có tính chất liên tục như phim truyền hình, thể thao; hoặc để có thêm thời gian phát sóng quảng cáo, các nhà đài có thể cắt giảm hoặc kéo dài thời lượng các chương trình, dẫn đến việc giảm chất lượng nội dung và làm mất đi sự hấp dẫn vốn có của các chương trình đó. Người xem đã trả phí để được trải nghiệm dịch vụ truyền hình chất lượng cao, việc phải xem quá nhiều quảng cáo sẽ khiến họ cảm thấy bị làm phiền và không được tôn trọng.
Việc tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người xem mà còn không phải là một giải pháp bền vững cho ngành truyền hình. Thay vào đó, các nhà đài nên tìm kiếm những giải pháp đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo và xây dựng mối quan hệ bền vững với khán giả. Chỉ có như vậy, ngành truyền hình mới có thể phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người xem.
Liên quan về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4, điều 1 dự thảo luật bổ sung điều 15a), đại biểu cho rằng: Việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đã trở nên phổ biến và có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần được quản lý chặt chẽ. Đại biểu đánh giá rất cao việc dự thảo Luật lần này đã quy định các nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. Việc quy định rõ ràng nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, là một bước đi cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người nổi tiếng và doanh nghiệp vẫn tìm cách "lách luật", người nổi tiếng và doanh nghiệp đôi khi còn tìm cách để che giấu tính chất quảng cáo của nội dung, khiến người tiêu dùng khó nhận biết, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc tìm kiếm thông tin về tính xác thực của nội dung trên mạng xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là thông báo trước cho người tiêu dùng biết người nổi tiếng đang thực hiện quảng cáo, điều này giúp người tiêu dùng nhận biết rõ ràng đâu là nội dung quảng cáo, đâu là ý kiến cá nhân của người nổi tiếng; giảm thiểu tình trạng người tiêu dùng bị lừa gạt, mua phải sản phẩm kém chất lượng, đồng thời, góp phần xây dựng một môi trường truyền thông minh bạch, đáng tin cậy.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật cần quy định cụ thể các hình thức thông báo bắt buộc, như sử dụng hashtag #quảngcáo, nhãn dán "được tài trợ" hoặc thông báo trực tiếp trong nội dung bài viết. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm cung cấp các công cụ để người dùng dễ dàng nhận biết nội dung quảng cáo và báo cáo các trường hợp vi phạm. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, người có ảnh hưởng, doanh nghiệp và các nền tảng mạng xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường truyền thông minh bạch và đáng tin cậy".
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có điều khoản quy định cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.