Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ về một số dự thảo nghị quyết của Quốc hội
Chiều 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc thảo luận ở tổ về một số dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thảo luận tại tổ 7 có Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 4 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Huế; Thái Nguyên; Kiên Giang.
Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu phát biểu.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tại phụ lục I: Danh mục cơ quan, đơn vị có đối tượng được hỗ trợ hằng tháng (về tham gia công tác xây dựng pháp luật), đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào danh mục các phòng chuyên môn của văn phòng ĐBQH và HĐND tỉnh; lực lượng tham gia nghiên cứu, giúp việc cho HĐND tỉnh trong ban hành nghị quyết ở địa phương và tham gia xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh. Theo đại biểu trong danh mục chỉ đề cập đến ban pháp chế HĐND tỉnh là chưa dầy đủ, cần mở rộng thêm các ban khác của HĐND tỉnh như ban kinh tế - ngân sách, ban văn hóa - xã hội và một số tỉnh có ban dân tộc, vì các ban này đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu, xây dựng pháp luật và giúp HĐND tỉnh thẩm tra, nghiên cứu và xây dựng nghị quyết.
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tại khoản 3 Điều 7 hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét lại nội dung UBND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ đầu tư. Theo đại biểu thẩm quyền quy định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Đại biểu đề nghị gộp khoản 6, 7 vào khoản 3 của điều này vì đều nêu các nội dung liên quan đến hỗ trợ tiền thuê đất, quyết định mức giảm tiền thuê đất…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị làm rõ điểm e, khoản 1, Điều 4 về quy định “Chi xây dựng, phát triển, duy trì các hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp”. Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm đối với quỹ hỗ trợ xây dựng pháp luật; cần làm rõ cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật và chuyên gia pháp luật. Đại biểu đề nghị bổ sung mục chi cho công tác đánh giá chính sách, trước khi xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế xử lý nếu vi phạm quy định tại Điều 4 về số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) vượt quá 1 lần trong năm, mà không phát hiện có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đại biểu đề nghị bổ sung hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp tái chế; bổ sung thông tin nguồn lực tài chính, đánh giá tính khả thi của các quy định hỗ trợ tài chính, tín dụng, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp tư nhân.
Đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chí cụ thể chọn lựa doanh nghiệp để tham gia Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global)…