Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào một số dự án luật quan trọng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 điều hành phiên thảo luận tổ.
Cho ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị: Dự thảo luật cần sửa đổi quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để tương thích với quy định về người đại diện tại Bộ luật Dân sự 2015.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần sửa đổi quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp theo hướng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi nhận được thông báo các doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký trên 1 năm và yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan thuế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thảo luận tại Tổ số 15, gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Phước.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 điều hành phiên thảo luận tổ.
Cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần có những quy định để Bộ luật Hình sự bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó cần cân nhắc việc bổ sung hình phạt chính là tù chung thân không xét giảm án tại Điều 39a và một số điều luật cụ thể liên quan của dự thảo luật, đồng thời nghiên cứu kỹ, rà soát chỉnh sửa để thống nhất trong chính sách hình sự, trường hợp giữ nguyên thì cần có thuyết minh cụ thể.
Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo xử lý đồng bộ các quy định có liên quan tại Luật Các tổ chức tín dụng. Cần có sự kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo chính sách đi vào đời sống, thực sự phát huy được các mục tiêu đã đề ra khi xây dựng luật.