Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chiều 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 13/5
Tại phiên họp, Quốc hội nghe các nội dung: tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tham gia phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có 5 đại biểu, do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định tạo ra cơ chế liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Thị trường – Xã hội trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cần xác lập cơ chế đối thoại và phối hợp với sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và tổ chức xã hội.
Đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 66 về cơ chế khuyến khích mua sắm sản phẩm khoa học công nghệ trong nước như: miễn lãi suất vay vốn trong 3 - 5 năm đầu; bảo lãnh tín dụng; bổ sung cơ chế “voucher đổi mới sáng tạo”; cho phép doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng các voucher này để chi trả cho dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, hoặc công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về truyền thông và giáo dục khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy định khuyến khích các sáng kiến từ cộng đồng.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định bắt buộc đánh giá tác động của các đề xuất chính sách, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đối với khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và xã hội. Theo đó yêu cầu mọi đề xuất chính sách, mọi dự thảo VBQPPL cấp Trung ương phải được đánh giá dựa trên ba tiêu chí: thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, quản lý rủi ro và giá trị bền vững. Quy định này có thể thiết kế thành một điều riêng hoặc đưa thành 1 khoản trong Điều 4 của dự thảo luật; đồng thời bổ sung quy định tương ứng trong Luật Ban hành VBQPPL cũng đang được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này.
Đại biểu đề nghị bổ sung khoản 5 vào Điều 20 các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như: có tính đổi mới sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, hoặc công nghệ xanh; có tiềm năng tác động kinh tế - xã hội đáng kể; có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tham gia và môi trường. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ hình sự, đồng thời sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự, để khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp, không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý tại Điều 26 về Quyền quản lý, sử dụng, quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, trong thực tiễn, ngoài kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước mà không thể tách rời với đất, còn có kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến tài sản, kinh phí ngoài ngân sách, kinh phí của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm trường hợp này vào khoản 3, Điều 26 để đầy đủ hơn các trường hợp trong thực tiễn. Đại biểu đề xuất cân nhắc sửa theo hướng: “Đối với các kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách Nhà nước gắn liền với đất hoặc tài sản thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân thì Nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng và sở hữu kết quả đó cho tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất hoặc tài sản theo hình thức tự động và không bồi hoàn”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều này, có liên quan đến quy định về kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khi sử dụng nhiều nguồn kinh phí thực hiện, để phù hợp với thực tiễn và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại Điều 82 về quy định chuyển tiếp, đại biểu đề xuất sửa thành: “Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý tài sản, bao gồm cả tài sản trang bị và tài sản được hình thành trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, thì thực hiện theo quy định tại Luật này”. Đồng thời đề nghị cân nhắc bổ sung đề xuất nêu trên tại Điều 25 và các quy định khác có liên quan tại luật này để đảm bảo thống nhất trong triển khai thi hành luật.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Trong chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.