Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trở lên
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Quảng Bình và Bắc Kạn.
Phát biểu thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng đây là những chủ trương đúng, trúng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2025-năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới thì tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội phải tăng cường và nâng cao hiệu quả tính pháp chế, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.
Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý với phương châm đổi mới tư duy, cách làm luật hiện nay, trong quá trình triển khai chủ trương của Trung ương Đảng, của Quốc hội phải tăng cường và nâng cao hiệu quả tính pháp chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.
Thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ, cho rằng việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Góp ý cụ thể về các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó cần có cơ chế hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp đầu tàu tiếp cận thị trường, tạo đầu ra cho sản xuất, kinh doanh. Phát huy vai trò của Hiệp Hội doanh nghiệp trong kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoài nước, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thúc đẩy dịch vụ du lịch, tập trung mở rộng các sản phẩm du lịch.
Tham gia thảo luận tại Tổ về Đề án bổ sung phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu cũng nhất trí với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại Tổ.
Đề cập đến động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 là đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng phải lấy đầu tư công lan tỏa, dẫn dắt đầu tư tư nhân, để qua đó phát triển kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta trong những năm qua vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khối doanh nghiệp FDI, đại biểu cho rằng các doanh nghiệp của Việt Nam cần chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đây là chìa khóa giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Về nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực nội sinh, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, đại biểu cho rằng cần tận dụng đầu tư công và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để tạo động lực cho khu vực kinh tế trong nước, cụ thể: khơi thông nguồn lực, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", có giải pháp cụ thể để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công. Cần có chính sách để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều sản phẩm, linh kiện, dịch vụ của nhà cung cấp Việt Nam làm đầu vào cho hoạt động sản xuất.
Trong thu hút FDI, cần quan tâm cả vấn đề chuyển giao công nghệ, sử dụng đầu vào của các doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó cần nghiên cứu các giải pháp để kiểm soát giá bất động sản, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh nguồn cung bất động sản giá hợp lý ra thị trường, kịp thời tháo gỡ cho những dự án gặp vướng mắc, tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Sớm hoàn thiện các hệ thống thông tin về đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản để tăng tính công khai, minh bạch của thị trường, góp phần hạn chế tình trạng “thổi giá”, giảm bớt những bất lợi cho phát triển bền vững của Việt Nam.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).