Đại biểu Quốc hội nói gì về Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam?

Chiều 20/11 tại Hội trường, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ngoài việc nhất trí về chủ trương, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến và gợi mở giải pháp để việc đầu tư, triển khai dự án nhanh, hiệu quả.

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội ủng hộ, đồng thuận chủ trương đầu tư

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Phát biểu thảo luận, hầu hết các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ GTVT về sự chuẩn bị Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, cũng như đồng tình với sự cần thiết với chủ trương đầu tư dự án, với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đồng tình chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Ông cho rằng, nước ta có hình dạng kéo dài, lưu lượng hàng hóa lớn, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc - Nam cao, nhiều khu vực vốn có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực hiện được do "nút thắt" của chi phí logistics cao.

Hơn nữa, quy mô kinh tế đang đà tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lớn, chúng ta cần tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Á… để giảm bớt tập trung vào một số thị trường. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết "nút thắt" về logistics.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) ủng hộ phương án đầu tư toàn tuyến đường sắt này, thay vì phương án ưu tiên đầu tư trước đoạn Hà Nội – Vinh, TP. HCM – Nha Trang như trước đây. Theo đại biểu, với quy mô nền kinh tế của đất nước hiện nay, dự báo năm 2027 và bố trí vốn như đề xuất của dự án, cùng với kinh nghiệm điều hành một số dự án trọng điểm (như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường dây 500 kW mạch 3…), dự án hoàn thành vào năm 2035 là khả thi.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả. Ông đã trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở châu Âu nên khao khát Việt Nam có được loại hình giao thông này.

Theo ông, hiện nay kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp nên chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao. Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất khởi công năm 2027, phấn đấu hoàn thành năm 2035

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất khởi công năm 2027, phấn đấu hoàn thành năm 2035

Nhiều đề xuất, góp ý để triển khai thành công dự án

Trong phát biểu thảo luận về đề xuất chủ trương đầu tư dự án, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra các lưu ý, đề xuất, góp ý để dự án triển khai thành công trong giai đoạn xây dựng và khai thác, vận hành.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự án đường sắt tốc độ cao đặc biệt phải chú trọng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn. Tuyệt đối không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua yêu cầu kỹ thuật và an toàn.

Đề cập vấn đề vốn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, do số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. Trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận, TOD, nên tổ chức đấu giá đất sớm.

Cùng với đó, cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thực tế cho thấy, một số dự án quan trọng quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh lại chủ trương. Do vậy, để dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam mang tính khả thi, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét một số vấn đề trọng tâm.

Đó là các vấn đề: quy hoạch để đảm bảo kết nối đồng bộ các phương thức giao thông; khung tiêu chuẩn của công nghệ dự án, với tỷ lệ nội địa hóa, đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng tính cạnh tranh khi lựa chọn đối tác cung cấp công nghệ, cũng như lộ trình và nguồn lực để đảm bảo chuyển giao, tiếp nhận công nghệ; khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương;

"Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ, vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất. Đồng thời, tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ khác khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần phát triển dự án này để phục vụ nhu cầu lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa chứ không chỉ chủ yếu vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi cần thiết.

"Dọc trục Bắc - Nam có mức độ tập trung dân số chỉ bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) và 1/2 tuyến Đài Bắc - Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc). Do đó nếu chỉ vận tải khách thì sẽ lãng phí 50% công suất, doanh thu vận tải hành khách không đủ để bù đắp chi phí vận hành, nguy cơ thua lỗ lớn như tuyến Đài Bắc - Cao Hùng.

Hơn nữa, nếu không phục vụ vận tải hàng hóa sẽ không giải quyết được "nút thắt" logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc trục Bắc - Nam, không liên vận với đường sắt quốc tế", ông Cường phân tích.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh internet

Một tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh internet

Đề cập vấn đề cải tạo đường sắt hiện hữu, theo ông Cường, là không lớn so với công suất hiện tại. Vì các tuyến này vốn là đường đơn nên số lượng tàu tăng lên chỉ khoảng 1,5 lần, nhưng có hàng nghìn nút giao cắt với khu dân sinh nên vận tốc chạy tàu không thể tăng nhanh so với hiện tại. Mặt khác, tuyến đường sắt hiện hữu không liên thông với đường sắt vận tải quốc tế, do vậy làm tăng chi phí, thời gian trung chuyển hàng hóa.

Từ những lý do đó, đại biểu Cường cũng đề nghị xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam phục vụ lưỡng dụng kết nối với vận tải quốc tế, thu hút đầu tư dọc tuyến để khai thác tối đa công suất, tăng nguồn thu, tránh lấy ngân sách bù lỗ hàng năm.

Nhìn nhận từ thực tế 3 dự án đường sắt đô thị, do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trọn gói khi điều kiện không đáp ứng, nhà đầu tư nước ngoài có thể tạm dừng và yêu cầu phạt hợp đồng, lệ thuộc nhà đầu tư trong quá trình bảo trì vận hành, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao phải theo phương thức chuyển giao công nghệ để làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghệ đường sắt trong nước.

Theo ông, thị phần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, TP. HCM đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ và chỉ nên mua trọn gói một số bộ phận đặc thù.

"Khi làm chủ công nghệ, ta không chỉ có tuyến đường sắt Bắc - Nam mà còn có thể phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Do vậy, khi lựa chọn nhà cung cấp thì quan tâm lựa chọn công nghệ nào có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh để chuyển giao công nghệ cho ta", đại biểu đề nghị.

Còn đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án để đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế. Bởi ngân sách Nhà nước còn nhiều khoản phải chi, ngoài chi phát triển thì còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình, đề án.

Về thu hút đầu tư, đại biểu đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.

Đề cập thu hút, huy động nguồn lực đầu tư, ông Dương Khắc Mai đề nghị tính đến việc huy động sức dân. Vì nguồn lực trong dân là rất lớn, nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Phương án vay trong dân tốt hơn vay nước ngoài, vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng và cũng nhằm khơi dậy tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo giải trình làm rõ hơn một số nội dung các đại biểu quan tâm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo giải trình làm rõ hơn một số nội dung các đại biểu quan tâm

Tại phiên thảo luận chiều 20/11, báo cáo giải trình làm rõ hơn một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hàng hóa hiện nay chủ yếu được vận chuyển qua đường hàng hải và đường thủy nội địa do chi phí thấp. Phương thức này thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện địa hình đất nước dài và hẹp, đô thị tập trung ven biển.

Theo Bộ trưởng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm ưu thế với cung đường ngắn, tiện lợi giao nhận hàng. Theo tính toán đến năm 2050, ba phương thức đường biển, đường bộ và đường sắt hiện hữu đã đáp ứng cho nhu cầu vận tải hàng hóa.

Trên hành lang Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao tập trung vận tải hành khách; phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng và có thể vận tải hàng hóa sau năm 2040 nếu nhu cầu tăng cao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, quyết định này căn cứ trên kinh nghiệm các quốc gia có điều kiện tương tự Nhật Bản. Nước này địa hình trải dài, đường bờ biển và đường sắt song song.

Là nước tiên phong trong phát triển đường sắt tốc độ cao, song Nhật Bản chỉ dành khoảng 10% thị phần cho vận chuyển hàng hóa, đến nay chỉ còn 5% và tiếp tục giảm xuống.

Tương tự, Trung Quốc hiện có 8 tuyến đường sắt theo trục dọc, 8 tuyến ngang, với tổng chiều dài hơn 130.000 km. Nhưng vận chuyển hàng hóa chủ yếu thực hiện bằng đường thủy, đường ven biển và đường bộ, lên đến trên 90%.

"Chúng ta cần tận dụng tối đa đường ven biển, thủy nội địa và đường bộ để vận tải hàng hóa. Không đặt nặng nhiệm vụ này cho đường sắt tốc độ cao", Bộ trưởng Thắng nói.

Mai Trang - Hồng Xiêm

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi-ve-du-an-duong-sat-toc-do-cao-truc-bac-nam-183241120175402149.htm
Zalo