Đại biểu Quốc hội: Ngành Công Thương đạt nhiều dấu ấn

Trên cơ sở những dấu ấn đạt được trong năm 2024, đại biểu Quốc hội kỳ vọng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục 'gặt hái' được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2025.

Dấu ấn trên nhiều lĩnh vực của ngành Công Thương

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn khẳng định,trong năm 2024, ngành Công Thương đã đạt nhiều dấu ấn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức và bất ổn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục - khả năng chạm mốc 800 tỷ USD; xuất siêu duy trì ở mức cao; tiếp tục khai mở nhiều thị trường mới; tăng trưởng xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt cao.

Kinh tế nước ta tiếp tục phát huy hiệu quả, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… Phát huy thành quả này, trong năm 2024 ngành Công Thương tiếp tục thúc đẩy, đàm phán tiến tới ký kết các FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR) và Canada…

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đánh giá cao công tác xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương đổi mới mạnh mẽ theo hướng đa dạng hóa phương thức triển khai, huy động và sử dụng linh hoạt, hợp lý các nguồn lực để thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia và Chương trình Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Nhiều sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức ở cấp quốc tế, tạo ra hiệu ứng rất tích cực trên các thị trường nhập khẩu của nước ta. Thương mại điện tử phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn. Dự báo cho thấy năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á.

Dấu ấn khác phải kể tới đó là sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Theo báo cáo, tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2024 cũng là năm mà hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng điện có nhiều dấu ấn đột phá. Bên cạnh kỳ tích thi công “thần tốc” công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong điều kiện thời tiết khó khăn, bất lợi, địa hình phức tạp, hiểm trở, việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) cũng là “dấu ấn” đặc biệt đối với ngành. Những “dấu ấn” này sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá hơn cho ngành điện lực cũng như hạ tầng năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

"Trên cơ sở thực tiễn kết quả công việc của năm nay, tôi tin tưởng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục “gặt hái” được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2025" - đại biểu nói.

Chuẩn bị các tiền đề vững chắc bước vào kỷ nguyên mới

Về kỳ vọng kinh tế - xã hội trong năm 2025, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, năm 2024, dự kiến 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%, việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; trong đó, đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu đạt mục tiêu hơn 8% trong năm 2025, cao hơn mức do Quốc hội giao.

Với tư duy lập pháp mới, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, có hiệu lực trong 2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực phát triển, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh thể chế, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và hạ tầng số ngày càng hoàn thiện sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước đang được sắp xếp tinh gọn để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

"Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần chuẩn bị các tiền đề vững chắc để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư đã xác định" - đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho hay.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - đoàn Lạng Sơn nhấn mạnh: Bên cạnh kỳ tích thi công “thần tốc” công trình đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong điều kiện thời tiết khó khăn, bất lợi, địa hình phức tạp, hiểm trở, việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) cũng là “dấu ấn” đặc biệt đối với ngành Công Thương trong năm 2024.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nganh-cong-thuong-dat-nhieu-dau-an-367333.html
Zalo