Đại biểu Quốc hội: Không nên cho Cơ quan quản lý quy hoạch được tự lập quy hoạch để tránh 'tư duy nhiệm kỳ'
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, nếu quy định cơ quan quản lý quy hoạch được tự lập quy hoạch thì các đơn vị quản lý tư vấn này sẽ phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan quản lý. Như vậy, tất cả những ý tưởng, những nội dung quy hoạch sẽ phụ thuộc vào ý chí của những người quản lý, lãnh đạo của nhiệm kỳ đó. Đến nhiệm kỳ sau, một người lãnh đạo khác lên lại có ý tưởng khác và sẽ điều chỉnh…

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 28/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 28/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Kiến nghị quy định “phải lập đồng thời” các quy hoạch
Quan tâm đến nội dung về trình tự lập quy hoạch, tại Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được lập đồng thời”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, phải sửa lại là “phải lập đồng thời”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu góp ý tại phiên thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
“Quy hoạch cấp trên phải có định hướng để quy hoạch cấp dưới chi tiết hóa. Nếu như quy hoạch cấp trên chưa có định hướng thì khi lập quy hoạch cấp dưới trước rất có thể những nội dung chi tiết cấp dưới sau này sẽ không phù hợp với quy hoạch cấp trên. Thậm chí, những định hướng quy hoạch cấp trên nếu không được cụ thể hóa ở quy hoạch cấp dưới thì đôi khi không phù hợp và những định hướng của cấp trên sẽ không có tính hiện thực”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Đại biểu dẫn chứng, điều này đã từng gặp phải khi chúng ta phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia trước và sau đó đến khi các tỉnh làm quy hoạch thì chỉ tiêu phân bổ đất cho các tỉnh không phù hợp. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều yêu cầu phải điều chỉnh chỉ tiêu trong quy hoạch đất quốc gia.
“Do vậy, nếu chúng ta thực hiện đồng thời tất cả quy hoạch này thì quy hoạch cấp trên sẽ đưa ra định hướng, sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết cụ thể hóa. Nếu như chi tiết cụ thể hóa chỗ nào không phù hợp sẽ phản hồi lên để điều chỉnh cấp trên và quy hoạch cấp trên điều chỉnh xong thì ấn định và quy hoạch cấp dưới sẽ triển khai chi tiết và phê duyệt. Chính cách làm này sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.
Lựa chọn tổ chức có uy tín để lập quy hoạch và không cần tuân thủ quy định của đấu thầu
Về tổ chức tư vấn lập quy hoạch, Điều 17 quy định cơ quan quản lý quy hoạch thì được lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của Luật Đấu thầu, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu cơ quan quản lý quy hoạch được tự lập quy hoạch thì sẽ đạt được mục tiêu quá trình lập quy hoạch có thể nhanh hơn, bởi vì không phải mất thời gian chọn đơn vị tư vấn.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu tự lập quy hoạch có thể sẽ dẫn đến 2 hệ lụy. Thứ nhất, đơn vị được giao quản lý quy hoạch không phải là một đơn vị chuyên môn làm quy hoạch, có thể 5 năm hoặc 10 năm mới làm một lần và như vậy về mặt chất lượng, trình độ chuyên môn sẽ không thể bằng được các cơ quan tư vấn chuyên nghiệp.
Theo đại biểu, hệ lụy thứ hai, các đơn vị quản lý tư vấn này sẽ phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan quản lý. Như vậy, tất cả những ý tưởng, những nội dung quy hoạch sẽ phụ thuộc vào ý chí của những người quản lý, lãnh đạo của nhiệm kỳ đó. Đến nhiệm kỳ sau, một người lãnh đạo khác lên lại có ý tưởng khác và sẽ điều chỉnh.
“Đây chính là tình trạng quy hoạch mang tính chất nhiệm kỳ, không có yếu tố dài hạn và không ổn định. Chúng ta biết rằng, lập quy hoạch là một công việc chuyên môn rất sâu, đòi hỏi phải có các tổ chức tư vấn rất chuyên nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo đại biểu, trên thế giới, có những tổ chức tư vấn rất nổi tiếng như Mackenzie hoặc KPMG là những đơn vị làm tư vấn quy hoạch phát triển cho rất nhiều nơi. Những vùng phát triển ổn định tốt đều phải dựa vào những bản quy hoạch của những đơn vị tư vấn có tính chuyên môn cao này và người ta gọi đây là những đơn vị tư vấn độc lập.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
“Độc lập có nghĩa là khi người ta làm tư vấn thì cơ quan quản lý không có quyền điều khiển họ. Chúng ta có thể đề xuất họ về những định hướng nhưng nếu người ta thấy không hợp lý người ta vẫn không đưa vào và đấy chính là yếu tố tư vấn độc lập của tư vấn”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Vì vậy, theo đại biểu, nếu chúng ta quy định chọn các đơn vị tư vấn này phải thông qua quy định của Luật Đấu thầu thì điều này cũng không phù hợp vì chi phí lập quy hoạch đã được quy định rất chi tiết, đấu thầu cũng không làm thay đổi chi phí mà những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm như trên chúng ta không thể bắt họ phải tham gia đấu thầu, thậm chí phải mời các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.
“Tôi đề nghị việc chọn các đơn vị tư vấn này là bỏ không nên tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu. Vì vậy, tôi đề nghị Điều 17 phải sửa lại là “cơ quan lập quy hoạch được quyền quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập, có uy tín để lập quy hoạch và không cần tuân thủ quy định của đấu thầu, trường hợp không chọn được đơn vị tư vấn độc lập khi đó sẽ tổ tự tổ chức lập quy hoạch””, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu góp ý tại phiên thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) khẳng định: “Tôi rất thống nhất với đại biểu Cường của Hà Nội. Bây giờ lập quy hoạch, tư vấn để thực hiện công tác quy hoạch không nhất thiết phải đấu thầu chúng ta mới được chọn những nhà thầu chiến lược, những nhà thầu có kinh nghiệm trong chuyện quy hoạch”.